Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Để không lỡ cơ hội của đất nước
Hà Nguyễn - 20/11/2017 08:00
 
Theo kế hoạch, cuối tuần này, các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự thảo Luật Quy hoạch. Đây là điều cần thiết, bởi như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, nếu không thông qua Luật Quy hoạch thì sẽ “bỏ lỡ cơ hội của đất nước”.
TIN LIÊN QUAN

Tới thời điểm này, hầu hết góp ý của công luận, của các đại biểu Quốc hội đều đã được Ban Soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung để làm sao có một dự thảo luật hoàn thiện nhất, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua vào cuối tuần này.

Tất cả còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan tới Dự thảo Luật Quy hoạch, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như quá trình thực thi như thế nào.

Việc bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm là đổi mới quan trọng trong công tác lập quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh
Việc bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm là đổi mới quan trọng trong công tác lập quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh

Theo kế hoạch, nếu Luật Quy hoạch được thông qua, sẽ có tới 25 dự luật phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định tại Dự thảo Luật Quy hoạch. Theo đề xuất của Ban Soạn thảo, sẽ xây dựng một luật để sửa nhiều luật. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình đối với đề xuất này.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan là rất quan trọng. Bởi thế, quá trình rà soát, sửa đổi các luật liên quan phải rất thận trọng và nghiên cứu sâu, nhất là trong bối cảnh thời gian không còn nhiều. “Phải nghiên cứu sâu, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi của Luật”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nói.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) mặc dù kỳ vọng khi Luật Quy hoạch được thông qua thì chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn, song vẫn cho rằng, với Việt Nam, ông quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thực hiện quy hoạch, bởi đây là khâu rất yếu.

Ông Nhã cho rằng, khi thực hiện quy hoạch không tốt thì ảnh hưởng đến 2 nhóm lợi ích. Nhóm thứ nhất bị ảnh hưởng là địa phương, bởi nói đến quy hoạch là nói đến sử dụng đất của địa phương, nhất là với việc bổ sung quy hoạch vùng hiện nay, sẽ có sự chồng lấn giữa các địa phương. Với nhóm thứ hai bị ảnh hưởng, theo ông Nhã, đó chính là người dân, nếu quy hoạch thực hiện chậm.

“Người dân lâu nay sợ nhất là quy hoạch treo. Bởi thế, quá trình thực hiện, với mỗi nhóm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, kể cả quy hoạch tỉnh, đều nên thiết kế hệ thống các điều kiện về tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát, điều kiện về cơ chế chính sách, điều kiện về nguồn lực để xây dựng và thực hiện quy hoạch”, ông Nhã nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), khi Luật Quy hoạch được thông qua, khi các quy hoạch được xây dựng, cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho người dân được biết.

“Khi xây dựng quy hoạch, cần lấy ý kiến của nhân dân. Khi làm xong quy hoạch, cũng cần công khai cho dân được biết. Ví dụ như vừa qua, khi có ý định xây dựng lại ga Hà Nội, thông tin chưa rõ ràng, nên có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng khi nghe Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung trình bày kế hoạch, thì thấy rất hợp lý, quá hay. Do đó, tôi nghiệm ra một điều, càng công khai, minh bạch thì dân càng hiểu, càng chia sẻ, càng ủng hộ”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Tất nhiên, đó là những vấn đề của sau này, khi Dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua và đưa vào triển khai thực hiện. Còn trong hiện tại, thông qua Luật Quy hoạch là một đòi hỏi bức thiết. Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã khẳng định rằng, nếu không thông qua Luật Quy hoạch thì sẽ “bỏ lỡ cơ hội của đất nước, mất nhiều chi phí cho xã hội”.

Ý kiến - nhận định

Sẽ khắc phục được tình trạng khiếm khuyết trong công tác quy hoạch”

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang)

Nếu Luật được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, sẽ khắc phục được tình trạng khiếm khuyết trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch hiện nay, như các quy hoạch chồng chéo, xung đột nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện quy hoạch, đồng thời tốn kém cho ngân sách.

Tạo thuận lợi cho triển khai quy hoạch đồng bộ và hiệu quả”

Đại biểu Võ Đình Tín (tỉnh Đắk Nông)

Việc tích hợp các ngành, lĩnh vực vào một quy hoạch tổng thể tạo thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả. Việc tập trung thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thuộc Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sẽ chấm dứt tình trạng các bộ, ngành, địa phương phê duyệt quá nhiều quy hoạch chồng chéo, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện, dẫn đến xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, quy hoạch không thực hiện được, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Quy hoạch nếu được xây dựng tốt thì tự nó sẽ tạo một nguồn lực phát triển”

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội)

Dự thảo Luật Quy hoạch đã được chuẩn bị rất công phu, khá hoàn chỉnh, đã giải quyết được hầu hết các yêu cầu đặt ra tại kỳ họp trước. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thông qua tại kỳ họp này để chuẩn bị cho Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Để triển khai, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các khâu chuẩn bị, rà soát và lập các quy hoạch theo Luật, chứ không nên chờ đến ngày 1/1/2019 khi Luật có hiệu lực mới làm.

Chúng ta đều biết rằng, quy hoạch nếu được xây dựng tốt thì tự nó sẽ tạo một nguồn lực phát triển, nhưng nếu chúng ta không có quy hoạch, mà cứ đầu tư, sau đó quy hoạch lại thì sẽ là một sự tàn phá rất ghê gớm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư