Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Đề xuất 5 nội dung để triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng
Kỳ Thành - 09/05/2024 12:01
 
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới cho Vùng.

Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng, tại Hội nghị lần thứ ba Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ngày 9/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế - xã hội của Vùng thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long), gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). 

Quy mô nền kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu đồng). 

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước (Vùng Đông Nam Bộ ước đạt 689 nghìn tỷ đồng); 

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD (đứng trên vùng Đông Nam Bộ 11,394 tỷ USD), trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. 

Quý I/2024, GRDP bình quân của Vùng đạt 6,2%; (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối NSNN đạt 94 nghìn tỷ đồng, bằng 37% dự toán (thu cân đối địa phương là 788 nghìn tỷ đồng), xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, chiếm 33,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước (93 tỷ USD); giải ngân vốn đầu tư công của Vùng ước 4 tháng đạt hơn 25.128 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch (cả nước 17,5%).

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng; Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao, doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp; Tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý; Ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: TTXVN)

Tập trung nguồn lực thực hiện 5 nhiệm vụ trong tâm, đột phá

Để phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng  triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học và đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Quy hoạch Vùng đồng bằng Sông Hồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đối với việc chỉ đạo xây dựng Quy hoạch của các vùng trong cả nước. Quy hoạch vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước; là trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

(Trích lược Báo cáo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cần tập trung triển khai một số nội dung.

Một là, phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Hai là, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp với đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng.

Ba là, cần đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng. Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Bốn là, tập trung nguồn lực thực hiện 5 nhiệm vụ trong tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch, trong đó, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác có hiệu quả mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng.

Năm là, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp để hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo, trong đó, xác định Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là hạt nhân của các hoạt động này. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp để hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ và vành đai kinh tế biển.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng đề xuất rà soát 5 nhóm cơ chế, chính sách, cụ thể là: (1) Nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên kết vùng; (2) Nhóm chính sách về phân cấp tài chính - ngân sách; (3) Nhóm chính sách về thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao; (4) Nhóm chính sách về phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ; (5) Nhóm chính sách về huy động, sử dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Các nội dung chính sách được rà soát, trong đó, tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả.

Ba tháng đầu năm, Hà Nam tăng trưởng cao nhất Vùng đồng bằng sông Hồng
Quý I/2024, tỉnh Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,98%, là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư