Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất bán hàng nghìn container “bỏ quên” tại các cảng biển
Xuân Dũng (Vietnam+) - 05/05/2015 15:58
 
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng hàng nghìn container “bỏ quên” tại các cảng biển, cửa khẩu trong đó có đề xuất cho một số doanh nghiệp đủ năng lực xử lý tham gia thu mua, giải phóng hàng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lốp ôtô “ngập” cảng biển

Theo kết quả kiểm tra tại 5 khu vực cảng biển, cửa khẩu là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng container tồn đọng, quá hạn làm thủ tục xuất hiện ở tất cả những khu vực này.

Tuy nhiên, nặng nề nhất là tại khu vực cảng Hải Phòng với số lượng container quá thời hạn làm thủ tục tính tới 1/3 là 4.818 container. Trong số này, theo thống kê của Bộ Tài chính, cao su, lốp ôtô đã qua sử dụng là mặt hàng chiếm phần lớn với 2.443 container.

Các loại phế liệu khác như nhựa, giấy, sắt thép cũng là mặt hàng được điểm danh trong số container tồn tại khu vực cảng Hải Phòng với số lượng khoảng gần 400 container.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tại cảng Hải Phòng, tên người nhận hàng thể hiện trên chứng từ vận tải chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất trong khoảng thời gian từ năm 2009 tới năm 2014 trong đó cao điểm là khoảng cuối năm 2011 tới giữa năm 2012.

Trong thống kê tại các khu vực cảng biển khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, lốp ôtô đã qua sử dụng cũng xuất hiện trong danh sách những mặt hàng trong container tồn đọng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 459 container hàng tồn, mặt hàng lốp ôtô nói trên có khoảng 28 container.

Tương tự, tại Quảng Ninh, cơ chức năng đã thông kê được 41 container tồn trong đó riêng lốp ôtô đã qua sử dụng đã có tới 34 container.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên theo đại diện Bộ Tài chính là do người đứng tên mua từ chối nhận hàng do không ký hợp đồng mua bán hoặc hàng hóa không đúng chủng loại như cam kết.

Ngoài ra, thực tế cũng có tình trạng người gửi hàng không ghi rõ địa chỉ người nhận hoặc không thanh toán tiền vận chuyển cho chủ hàng. Một lý do khác xuất phát từ việc người được chỉ định làm dịch vụ trung gian cho các công ty nước ngoài nhưng sau đó không được giao giấy tờ nhận hàng nên từ chối việc tiếp nhận hàng hóa.

Sẽ giảm bớt thủ tục với hàng tồn?

Về phương án giải quyết, đại diện Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp có đủ năng lực, xử lý, tái chế lốp ôtô đã qua sử dụng được tham gia thu mua lốp ôtô đang tồn lưu tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu theo đúng quy định.

Ý kiến này được Bộ Tài chính tiếp thu từ góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra trước đó.

Ngoài ra, để giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh xử lý hàng tồn, Bộ Tài chính cũng nhắc lại đề xuất giao trực tiếp cho doanh nghiệp cảng chủ động thực hiện xử lý dưới sự giám sát của Hội đồng thanh lý Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trước đó.

Cụ thể, số tiền thu được từ xử lý hàng tồn đọng sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước được đề nghị giao cho các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi chịu trách nhiệm quản lý để chủ động ứng ra thực hiện cho đợt thanh lý tiếp theo. Điều này theo Bộ Giao thông Vận tải sẽ không phát sinh các thủ tục ứng tiền từ Kho bạc Nhà nước vốn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Ý kiến này đã được Bộ Tài chính tiếp thu và cho biết sẽ giao cho Cục Quản lý công sản nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Cũng trong đề xuất, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, thành phố xây dựng lộ trình kế hoạch, kinh phí thực hiện và những giải pháp cần thiết để xử lý hàng hóa rác thải hiện đang tồn đọng.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng chuyển chở hàng hóa rác thải vào các cảng biển Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì với các bộ liên quan bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để khắc phục một số hạn chế trong Luật Hàng hải, Luật Thương mại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư