Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất bỏ khống chế chi phí quảng cáo
Nam Kinh - 17/04/2013 05:49
 
Tranh luận về việc khống chế tỷ lệ chi cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị... lại tiếp tục nóng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
Việc bỏ khống chế chi cho hoạt động quảng cáo sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng.

(baodautu.vn) Việc bỏ khống chế chi cho hoạt động quảng cáo sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng.

Bỏ khống chế, nhiều cái lợi

Việc khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp khách… không quá 10% chi phí hợp lý, hợp lệ (dự kiến nâng lên 15% khi sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, là vô lý, vì cản trở doanh nghiệp phát triển, do không mở rộng được thị trường, không tăng được sức cạnh tranh khiến hoạt động của doanh nghiệp luôn trong tình trạng khó khăn.

“Bỏ giới hạn chi phí quảng cáo là khuyến khích khả năng sáng tạo, tăng doanh thu, thu nhập của doanh nghiệp, trong khi đó ngân sách cũng không thất thu, vì khoản giảm thu từ doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lại thu được thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng từ doanh nghiệp, cơ quan truyền thông thực hiện quảng cáo”, bà Loan lập luận.

Trong khi đó, quan điểm bỏ khống chế chi cho quảng cáo của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là “quy định khống chế chi phí cho quảng cáo của Việt Nam chẳng giống ai”. Bởi trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, chỉ có Việt Nam là còn khống chế chi phí quảng cáo.

Ngay với Trung Quốc, theo ông Trần Đức Chính, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dược, việc khống chế quảng cáo của họ cũng thoáng hơn rất nhiều. Cụ thể, trong khi Việt Nam vẫn còn duy trì khống chế chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… không quá 10% chi phí hợp lý, hợp lệ, thì Trung Quốc đã nâng tỷ lệ này lên 15% tính trên doanh thu, một số ngành hàng mức khống chế cao gấp đôi và tất cả các doanh nghiệp, nếu không chi hết cho quảng cáo, thì được để lại sang năm tiếp theo thực hiện.

“Cộng đồng doanh nghiệp tha thiết đề nghị, nếu chưa bỏ được việc khống chế chi phí hoạt động quảng cáo, thì nên nâng tỷ lệ này lên ít nhất là 20% và tính trên doanh thu, chứ không tính trên chi phí hợp lý, hợp lệ như Dự thảo Luật thuế TNDN”, đại diện cho nhiều hiệp hội ngành hàng, bà Phạm Thị Thu Hằng kiến nghị.

Vì sao vẫn khống chế?

Câu hỏi đặt ra là, vì sao vẫn khống chế chi phí cho quảng cáo? Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu kinh tế và đã kinh qua nhiều cương vị tại các cơ quan quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, không phải Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước không biết những hạn chế trong việc khống chế quảng cáo, nhưng còn có nhiều lý do, nên chưa thể đáp ứng ngay nguyện vọng của doanh nghiệp.

Thứ nhất, khác với nhiều nước trên thế giới, Nhà nước vừa với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa với tư cách là người quản lý. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước phải có thiết chế để khống chế các doanh nghiệp có vốn nhà nước không được “vung tay quá trán cho quảng cáo”. Còn với tư cách là quản lý nhà nước, Nhà nước phải tạo ra sân chơi thông thoáng cho doanh nghiệp. Để xử lý hai vấn đề này, trước mắt, nâng tỷ lệ khống chế, đồng thời bỏ bớt một số khoản như chi ra khỏi danh mục bị khống chế là hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, tình trạng gian lận, tham ô thông qua hoạt động quảng cáo diễn ra khá nhiều, nếu không khống chế, hàng loạt chi phí khác sẽ được đẩy sang quảng cáo khiến thất thu ngân sách.

Thứ ba, nếu không khống chế, hàng loạt doanh nghiệp trong nước vốn đã nhỏ về quy mô, kém về năng lực quản trị thiếu về kinh nghiệm cạnh tranh sẽ bị doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thôn tính. “Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nghiệp bán lẻ đều mong muốn gỡ bỏ quảng cáo. Tôi nói thật, trong các doanh nghiệp bán lẻ hiện chỉ có vài đơn vị cỡ Saigon Coopmart, Hapro… đủ sức cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài là do họ nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và do vẫn còn chính sách khống chế quảng cáo. Nếu gỡ bỏ khống chế quảng cáo, thì liệu Saigon Coopmart, Hapro có đủ sức cạnh tranh với Big C, Metro?”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Và lý do cuối cùng, theo ông Kiên, quảng cáo phải phù hợp với lợi ích của cả doanh nghiệp, Nhà nước lẫn người tiêu dùng, trong khi nhiều quảng cáo ở Việt Nam lại không hẳn như vậy. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Đinh Trịnh Hải cũng rất băn khoăn với việc có nên tiếp tục khống chế chi phí cho quảng cáo hay không.

“Nếu khống chế, thì đúng là nhiều doanh nghiệp bị thiệt thòi. Nhưng nếu buông, thì với tiềm lực tài chính hùng hậu, được sự hậu thuẫn của công ty mẹ, chắc chắn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thôn tính hết thị trường trong nước và khi đó, doanh nghiệp trong nước không còn đất sống”, ông Hải băn khoăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư