Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dệt may phấp phỏng sản xuất trong đại dịch
Hồng Phúc - 24/06/2021 13:02
 
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang đứng ngồi không yên trước rủi ro hoạt động sản xuất có thể bị ngưng trệ vì Covid-19.
.
Ngành dệt may đang trên đà khởi sắc thì khựng lại do Covid-19 đang bùng phát mạnh

Giai đoạn cao điểm sản xuất

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, dệt may nói riêng đang trên đà khởi sắc thì khựng lại do Covid-19 đang bùng phát mạnh, đặc biệt với doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Giữ được sản xuất là giữ được sự sống còn của doanh nghiệp. Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, những chỉ tiêu của 2 quý đầu năm đã được Tập đoàn vượt qua. Tuy nhiên, nửa cuối năm nay, tình hình có những khó khăn do làn sóng Covid-19 thứ 4. Các biện pháp giãn cách xã hội và công tác phòng chống dịch đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng giám đốc Vinatex đã yêu cầu các doanh nghiệp trong Tập đoàn đưa ra giải pháp phòng dịch hiệu quả, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất.

Tại các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex, ngoài việc nghiêm túc thực hiện 5K, khối văn phòng giữ hoạt động luân phiên, 50% làm việc tại nhà, 50% làm việc tại văn phòng, đảm bảo thông suốt hoạt động kinh doanh.

“Với các nhà máy sợi, dệt, may có lực lượng lao động đông đảo từ hàng trăm đến vài ngàn người vẫn phải đảm bảo công nhân bám nhà máy sản xuất, đặc biệt trong thời gian cao điểm cần hoàn thành các đơn hàng đúng hạn”, ông Đặng Vũ Hùng nhấn mạnh.

Ngoài áp dụng 5K với công nhân, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn còn phải lưu ý đến các đối tượng khác liên quan như các nhà thầu phụ (ví dụ các đơn vị không có bếp nấu ăn phải thuê dịch vụ đưa thức ăn từ bên ngoài vào nhà máy) thì không được phép để họ tiếp xúc trực tiếp với người lao động.

Với các đơn vị may, khi có phía đánh giá tiêu chuẩn, kiểm hóa đến nhà máy thì phải đảm bảo giãn cách, để họ làm việc trong khu vực cách xa công nhân của đơn vị.

Tất cả những công việc này nhằm đảm bảo công nhân không phải tiếp xúc với người lạ, không để mầm bệnh lọt vào khu vực nhà máy. Còn với đội ngũ lái xe phụ trách vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực nhà máy có kết quả Covid-19 âm tính mới được vào nhà máy.

“Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng, nên tuyệt đối không để dịch bệnh khiến việc sản xuất, kinh doanh trong từng đơn vị bị ngưng trệ. Tập đoàn đã thành lập Ban vắc-xin, phối hợp với bệnh viện để có nguồn vắc-xin tiêm cho cán bộ, nhân viên”, ông Hùng nói.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện có hơn 3 triệu người lao động làm việc trong ngành may mặc. Các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đang đứng trước thách thức từ tác động của làn sóng lần này. Trong 2 tuần qua, đã có 45 nhà máy đóng cửa.

Sức khỏe người lao động là trên hết

Tối 31/5, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức xác nhận một nữ nhân viên của Công ty TNHH Coats Phong Phú nằm trong khuôn viên Cụm công nghiệp Phong Phú đã nhiễm Covid-19. Toàn bộ nhân viên công ty này khoảng 1.000 người đã được liên lạc để cơ quan chức năng của Thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Ngay khi biết thông tin có ca nhiễm trong khu công nghiệp nói trên, dù không cùng khu vực với nhà máy của doanh nghiệp mình, ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công đã rất lo lắng.

“Thật sự tôi rất áp lực, dù Ban lãnh đạo đã đưa ra hàng loạt kịch bản ứng phó để làm hết sức có thể nhằm chống dịch mà vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh”, ông Tùng chia sẻ.

Áp lực đặt lên vai những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có hàng ngàn lao động như Thành Công là rất lớn. Họ chỉ có thể thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro như chia khu làm việc, chia ca, liên tục thông báo trên loa tại xưởng… và trông chờ ý thức của người lao động bằng việc thực hiện nghiêm 5K.

Với nhóm nhân viên văn phòng, Thành Công chia làm việc xen kẽ theo các ngày chẵn lẻ trong tuần. Còn khối sản xuất tại nhà máy, họ chia thành nhóm theo 2 ca (ca từ 5 giờ đến 13 giờ và ca từ 14 giờ đến 22 giờ) và có 1 tiếng giữa hai ca để hạn chế các lao động tiếp xúc với nhau.

Thậm chí, tại một xưởng trong cùng khu nhà máy, họ tách mọi hoạt động riêng ra như một công ty độc lập, có bảo vệ riêng và chỉ cho nhân viên xưởng đó mới được đi vào.

“Ngành dệt may năm nay có đơn hàng rất nhiều. Nếu khâu sản xuất bị ảnh hưởng sẽ tác động vào thời gian hoàn thành đơn hàng. Với những phía không chấp nhận đơn hàng trễ, chúng tôi sẽ phải thuê máy bay để vận chuyển. Chắc chắn, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm nhưng với chúng tôi, sức khoẻ người lao động là quan trọng nhất”, Phó tổng giám đốc Thành Công cho biết.

Còn tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Ban lãnh đạo đã xây dựng kịch bản trong trường hợp có nhân viên bị nhiễm Covid-19 thì cần thực hiện các bước cụ thể ra sao để phối hợp với chính quyền xác định F1, F2, đưa đi xét nghiệm, cách ly...

Mọi biện pháp phòng dịch như thực hiện 5K, đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, cài ứng dụng Bluezone… đều được các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên của mình thực hiện từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện, các doanh nghiệp còn lập Ban chỉ đạo chống Covid-19 tại các nhà máy, cho nhân viên nghỉ việc luân phiên và chuyển các cuộc họp trực tiếp sang họp trực tuyến.                                           

Dệt may dồn lực giao hàng đúng hẹn
Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng. Lao động ổn định là mấu chốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư