Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may mệt mỏi vì sản xuất trong giãn cách
Thế Hoàng - 19/06/2021 16:22
 
Khi thực trạng vừa giãn cách vừa sản xuất khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả, thì việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là giải pháp tối ưu để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh.
May Đáp Cầu đang mong mỏi có thể quay trở lại sản xuất trong cuối tháng 6.
May Đáp Cầu đang mong mỏi có thể quay trở lại sản xuất trong cuối tháng 6

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang ở trong tình cảnh mệt mỏi vì một thời gian dài phải gắng gượng sản xuất trong tình cảnh giãn cách.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong 3 đợt dịch đầu tiên, các doanh nghiệp trong Tập đoàn này hoàn toàn không có người bị mắc bệnh dịch. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ tư, doanh nghiệp ở Bắc Ninh và Đà Nẵng có người lao động là F0, dẫn tới việc doanh nghiệp tại nơi đó buộc phải ngừng sản xuất, bị thiệt hại không nhỏ.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex chia sẻ: "Việc dừng sản xuất, giao hàng chậm, dù là do yếu tố khách quan thì vẫn là nội dung cần thương lượng kỹ với người mua để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía. Đơn cử, khi bị chậm sản xuất, mà phải đổi việc vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không thì doanh nghiệp may chắc chắn lỗ cho đơn hàng đó".

Do đó, trong tình cảnh hiện nay, chỉ có tiêm vaccine để tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng mới là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp có đủ nguồn lao động, dồn sức cho sản xuất kinh doanh. 

"Chúng tôi có 150.000 người lao động trong các doanh nghiệp trên cả nước, có doanh nghiệp quy mô tới 5.000 lao động, tập trung ở một vị trí, còn lại phổ biến ở mức 2.000 lao động. Do đó nguy cơ bị lây lan bệnh dịch trong môi trường sản xuất là rất cao. Trong thời gian hơn một năm qua, doanh nghiệp luôn đề cao vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Nhưng trên hết, vẫn là mong muốn được tiếp cận vaccine, tiêm phòng cho tất cả đội ngũ của mình", ông Trường mong mỏi

Theo tính toán, với 150.000 người lao động, Tập đoàn cần khoảng 300.000 liều vaccine. Nếu lo tiêm cho cả người nhà của người lao động Vinatex, thì cần trên 1 triệu liều vaccine, tổng chi phí tính ra khoảng 400 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cũng đã có dự trù cho khoản kinh phí để tiêm vaccine cho người lao động. Quan điểm của Tập đoàn là tự chủ tài chính để có nguồn vaccine tiêm cho người lao động là việc cần làm của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần tự lo nguồn chi phí tiêm vaccine cho người lao động của mình. Trường hợp doanh nghiệp nào thực sự khó khăn, thì Tập đoàn sẽ hỗ trợ khoản chi này.

Hiện nay, nhà nước đã cho phép hạch toán chi phí mua vaccine vào chi phí sản xuất. doanh nghiệp có thể tiết kiệm, giảm các hoạt động khác để đảm bảo có thể chi trả khoản mua vaccine cho người lao động.

Đại diện các doanh nghiệp trong ngành đều thừa nhận, nếu thiếu vaccine, không miễn dịch được cộng đồng, lãnh đạo và người lao động đều căng thẳng và phải tổ chức sản xuất theo phương pháp giãn cách, không hoạt động đủ công suất thiết kế, năng suất kém vì sử dụng lao động ít hơn.

Đơn cử, một nhà xưởng may trung bình thiết kế cho 1.200 lao động làm việc, nhưng khi phải giãn cách thì chỉ có thể đảm bảo cho 700 - 800 lao động làm việc. Tổ chức sản xuất như thế không có hiệu quả, không thể là giải pháp lâu dài cho doanh nghiệp. 

Mệt mỏi vì sản xuất trong giãn cách, thiếu lao động trầm trọng, hiệu quả sản xuất không cao do tỷ lệ máy hoạt động thấp, Công ty CP May Đáp Cầu  buộc phải dừng sản xuất từ 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu, và từ 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong, Bắc Ninh, dù biết rõ, việc dừng sản xuất cũng đồng nghĩa doanh nghiệp rơi vào cảnh “sống dở chết dở”.

Doanh nghiệp này đang đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, khách hàng có thông cảm, nhưng giãn không được lâu, chưa kể, hàng quần áo có thời vụ, là loại hàng nhanh, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được. 

Theo ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP May Đáp Cầu: "Chúng tôi dự tính, trong trường hợp cuối tháng 6/2021, mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại thì doanh nghiệp mới có thể trụ lại, bằng không thì nguy cơ phá sản là điều khó tránh".

Doanh nghiệp TP.HCM đối mặt khó khăn kép: Thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng
Do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng đối mặt với tình trạng thiếu vốn, trong khi chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư