Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Dệt may Việt Nam là tấm gương cho Bangladesh”
- 03/05/2013 10:00
 
Hãng thông tấn Pháp AFP vừa có bài viết phản ánh về tình trạng thiếu an toàn lao động tại các công xưởng dệt may ở Bangladesh và đưa ra quan điểm cho rằng Việt Nam chính là tấm gương để quốc gia Nam Á này noi theo.
TIN LIÊN QUAN

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Vụ sập nhà diễn ra ở nhà máy tại Bangladesh vào tuần trước làm 550 người chết hoặc mất tích đã khiến cộng đồng thế giới lo ngại về điều kiện làm việc tại các nhà máy đã sản xuất “thời trang mình ăn liền” (fast fashion) - các loại quần áo giá rẻ, lấy cảm hứng từ sàn catwalk - cho các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Theo chuyên gia Kalpona Akter tại Trung tâm đoàn kết người lao động Bangladesh, bên cạnh nguy cơ bị tẩy chay từ phía người tiêu dùng, Bangladesh cần phải cải cách ngành công nghiệp dệt may trước khi những người mê thời trang băn khoăn tự hỏi rằng "liệu họ có nên mặc những bộ váy nhuốm máu" hay không.

Các chuyên gia nói rằng Việt Nam, nơi gia công cho các thương hiệu thời trang lớn như Zara, Mango và H&M, là một hình mẫu của ngành công nghiệp dệt may lành mạnh, đi liền với luật lao động rõ ràng và mức lương công bằng.

"Đây không phải là một cuộc đua tới đáy," Tara Rangarajan, giám đốc chương trình của dự án Better Work tại Việt Nam thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho AFP biết - "Các nhà máy lao động giá rẻ chỉ là một phần của chiến lược ngắn hạn, chi phí thấp và thu hồi lợi nhuận lập tức. Việt Nam muốn cạnh tranh về dài hạn bên cạnh việc chỉ cung cấp dịch vụ lao động giá rẻ, vì thế nước này đã tăng cường và cải thiện hệ thống luật pháp" - bà nói.

Người mua hàng sẽ thích hàng Việt Nam, nơi mức lương công nhân dệt may cao hơn tới 3 lần so với Bangladesh.

Trong thập kỷ vừa qua, các điều kiện làm việc trong nhiều nhà máy đã được cải thiện và công nhân được tôn trọng. Các công ty này luôn sẵn lòng giữ lại các lao động làm được việc và công nhân cũng được hưởng các lợi ích như nơi ở và bữa ăn miễn phí.

"Khi tôi bắt đầu làm việc, mức lương chỉ là 40 USD mỗi tháng. Giờ một công nhân giỏi có thể kiếm từ 350-400 USD mỗi tháng," Linh, người làm việc trong một công ty sản xuất túi xách ở Việt Nam trong 18 năm qua cho biết.

"Công nghệ đã giúp ích rất nhiều. Chúng tôi thường phải lao động thủ công, nhưng nay chúng tôi đã có máy móc hỗ trợ," Linh nói.

Linh ban đầu chỉ làm công nhân và giờ người đàn ông 36 tuổi này đã là quản lý dây chuyền tại Công ty Túi xách Sài Gòn.

Hoạt động xuất khẩu dệt may, đạt giá trị 3,1 tỷ USD trong quý đầu năm 2013, đã tăng 18,3% so với một năm trước. Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Đình Huân, ưu tiên số một của chính quyền hiện là thúc đẩy công nghệ.

Tương phản với Việt Nam, Bangladesh lại chuyên về "hoạt động sản xuất chi phí thấp" và thích sử dụng mô hình các xưởng lao động thủ công thay vì đầu tư vào công nghệ và nâng cấp.

Theo Nayla Ajaltouni, điều phối viên của nhóm vận động Collectif Ethique sur l'etiquette, "ngành công nghiệp dệt may ở Bangladesh đã phát triển rất nhanh và đó là lý do vì sao người ta phải đương đầu với một loạt các vấn đề về sức khỏe và sự an toàn".

Tuy nhiên bà nói rằng sự phẫn nộ của dư luận về vụ sập nhà sẽ có thể mang tới một sự thay đổi. Lương tối thiểu đã được tăng lên tại Bangladesh trong năm 2011, không phải vì các lý do thương người, mà vì "các cuộc đình công đã bắt đầu gây gián đoạn dây chuyền cung cấp hàng hóa."

"Nghe thật nghiệt ngã, nhưng thảm họa này cũng là điểm mốc quan trọng, tại đó các thương hiệu thời trang sẽ được báo chí và các công dân thúc đẩy tiến lên" - bà nói.

Ở Thái Lan, tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy đã được cải thiện mạnh sau vụ cháy một nhà máy sản xuất đồ chơi làm 188 người thiệt mạng trong năm 1993.

Campuchia, nơi ngành công nghiệp dệt may phát triển trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, đã nỗ lực tránh việc mang tiếng là nơi có các xưởng sản xuất nhân công giá rẻ. Chiến lược này được xem là sáng suốt và Campuchia đã đón nhận chương trình Better Factories của ILO.

Nhưng Abdus Salam Murshedy, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Bangladesh cho biết nước này "đã có các nhà máy hàng đầu thế giới... song một số khách hàng đã không liên hệ đặt hàng tại những nơi này để có thể thu tối đa lợi nhuận."

Theo Anne Elizabeth Moore, vấn đề nằm ở chỗ "người tiêu dùng không bao giờ được cho biết về mối quan hệ giữa quần áo giá rẻ và tình trạng lạm dụng lao động cùng tình trạng tiêu chuẩn y tế và an toàn thấp."

Còn theo một nữ giám đốc của một thương hiệu thời trang có trụ sở ở Hong Kong, vụ tai nạn gần đây ở Bangladesh "đã gây sức ép cho tất cả các công ty, dù họ có sử dụng các nhà máy đặt tại tòa nhà bị sập hay không" và đây là diễn biến tốt.

"Rốt cuộc, khách hàng không thể vào cuộc và thay đổi hệ thống ở Bangladesh. Chính quyền phải lãnh trách nhiệm đó" - viên giám đốc này nói và chỉ ra rằng không giống như ở Việt Nam, Dhaka không đặt ra các quy định về tăng lương tối thiểu thường niên và cũng không cho phép các công nhân dệt may được lập công đoàn.

Nữ giám đốc nói rằng trừ phi các tiêu chuẩn được cải thiện, Dhaka phải nhận ra rằng ngành công nghiệp dệt may - con bò sữa đã mang lại 80% tổng doanh thu xuất khẩu - của nước này đang bị đe dọa.

"Rất nhiều khách hàng đang nhìn sang Myanmar, Kenya, Ethiopia. Họ không xem Bangladesh là cổng sản xuất hàng dệt may lâu dài nữa... bởi nơi đây có quá nhiều vấn đề" - bà cho biết.

Linh Vũ

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư