Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Địa chỉ" nhập khẩu vải tận dụng ưu đãi trong EVFTA
Thế Hải - 14/10/2019 19:19
 
Hàn Quốc không chỉ là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may (kim ngạch trên 3 tỷ/năm) mà còn là địa chỉ nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu từ nhiều năm nay của ngành công nghiệp quy mô 40 tỷ USD.
Năm 2018, ngành dệt may đã nhập khẩu 2,2 tỷ USD vải từ Hàn Quốc. Dự báo nhập vải từ thị trường này sẽ tăng khi một trong những FTA thế hệ mới với EU đi vào hiệu lực.
Năm 2018, ngành dệt may đã nhập khẩu 2,2 tỷ USD vải từ Hàn Quốc. Dự báo nhập vải từ thị trường này sẽ tăng khi một trong những FTA thế hệ mới với EU đi vào hiệu lực.

Lên kế hoạch nhập vải từ Hàn Quốc

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) mới đây đã ký công văn gửi tới các doanh nghiệp nhằm khảo sát về nhu cầu tiêu thụ vải và nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, ngành dệt may sẽ có những hành động để tăng nhập khẩu vài và các loại nguyên phụ từ Hàn Quốc, thị trường vốn nằm trong danh sách mà ngành dệt may có thể sử dụng vải may hàng xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

“EVFTA đã được ký kết, dự kiến khi có hiệu lực sẽ cho phép áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ nên các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam được sự dụng vải từ nước thứ 3 có ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU và cả Việt Nam trong đó có Hàn Quốc”, ông Giang nói.

Cơ cấu nhập khẩu vải của dệt may Việt Nam

Năm 2018, ngành dệt may chi 12,7 tỷ USD nhập khẩu vải, trong đó: Nhập từ Trung Quốc 7,1 tỷ USD, Hàn Quốc 2,2 tỷ USD, Đài Loan 1,7 tỷ USD, Nhật Bản 750 triệu USD, Ấn Độ 500 triệu USD, còn lại là các thị trường khác.

Theo quy định của EVFTA, chỉ có nhập vải từ Hàn Quốc về sản xuất hàng hóa may mặc rồi xuất sang EU mới được công nhận đạt yêu cầu xuất xứ từ vải và được hưởng thuế 0%. Còn nhập vải từ những nước khác sẽ không được công nhận.

(Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương)

Nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc xây dựng chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA, VITAS phối hợp với Viện công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) thực hiện khảo sát về nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may Việt Nam.

Từ đó sẽ phối hợp để bù đắp nguồn cung thiếu hụt với lượng vải tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Hàn Quốc không chỉ là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may (kim ngạch trên 3 tỷ/năm) mà còn là địa chỉ nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu từ nhiều năm nay của ngành công nghiệp quy mô 40 tỷ USD.

Năm 2018, ngành dệt may nhập khẩu gần 23 tỷ USD vải, bông, xơ sợi và nguyên liệu, trong đó 12,8 tỷ USD nhập vải. Nguồn vải nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ…Trong đó, chi ngoại tệ nhập từ Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2017.

Nhu cầu về vải tiếp tục gia tăng, khi 8 tháng đầu năm 2019, chi nhập vải đã lên tới 8,82 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2018.

Điểm tựa để có ưu đãi

Thiếu hẳn một ngành công nghiệp sản xuất vải, nhiều năm chỉ đi nhập khẩu, ngành dệt may khó tận dụng được những ưu đãi từ EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI nói, nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, dệt may vẫn xuất khẩu với mức thuế như cũ vào thị trường EU và không được hưởng ưu đãi.

“EVFTA đưa ra “quy tắc xuất xứ cộng gộp” đã mở ra cánh cửa để tận dụng ưu đãi cho ngành dệt may vẫn đang trong cảnh chưa thể tự lo được từ công đoạn sản xuất vải trở đi, đó là tăng nhập vải từ thị trường Hàn Quốc”, bà Trang phân tích.

90% nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định.

Cụ thể, trong năm 2018, ngành dệt may nhập vải từ Trung Quốc lên tới 7,1 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017, Đài Loan 1,7 tỷ USD…

Khi khả năng cung ứng vải trong nước còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu thì việc gia tăng nhập vải từ các thị trường đã có FTA với EU rất có lợi cho Việt Nam, nhưng đáng tiếc, ngành dệt may vẫn nhập lượng vải trị giá rất lớn từ Trung Quốc.

EVFTA đã được ký kết hôm 30/6/2019. Theo kế hoạch, FTA này sẽ có hiệu lực vào năm 2020 sau khi đã được Quốc hội các bên phê chuẩn.

Ông Lương Hoàng Thái,  Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, 77% dòng thuế trong ngành hàng dệt may sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

“So với quy tắc ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) trước đây thì EVFTA có những thay đổi nhưng không khác biệt lớn. Cụ thể, Việt Nam phải sản xuất trên 50% giá trị, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ vải, sợi trở đi, nhưng được cộng gộp với nguyên liệu nhập từ đối tác mà EU có hiệp định thương mại tự do”, ông Thái nói.

VITAS đánh giá, với khả năng xuất khẩu trên 4 tỷ USD hàng dệt may/năm sang EU, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn dư địa lớn tại thị trường mà mức chi nhập khẩu hàng dệt may hàng năm lên tới 280 tỷ USD.

Việc gia tăng xuất khẩu sang EU sẽ khó đến nhanh, nhưng khéo léo tận dụng các điều kiện về quy tắc xuất xứ để ưu đãi thuế, doanh nghiệp dệt may sẽ có thêm được động lực đầu tư, gia tăng xuất khẩu nhờ có thêm lợi nhuận.

Ngay cả việc thiết lập kênh nhập khẩu vải từ Hàn Quốc để tăng tiêu thụ vải từ quốc gia này, ngành dệt may Việt Nam đã ở một trong mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

“Nghẽn” quy tắc xuất xứ, dệt may chưa tận dụng được ưu đãi từ thị trường CPTPP
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Lê Tiến Trường khẳng định, xuất khẩu dệt may chưa tận dụng được ưu đãi từ thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư