Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điểm danh 15 tồn tại tại các đại dự án trong ngành công thương
Thanh Hương - 21/09/2018 16:32
 
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì diễn ra chiều nay, 21/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã cho hay, tính tới hết tháng 8/2018, vẫn còn 15 nhiệm vụ đã quá hạn trong số các nhiệm vụ được đặt ra phải hoàn thành trong hai năm 2017 và 2018.

Cụ thể, theo Quyết định 4269/QĐ-BCĐĐANCT (gọi tắt là Kế hoạch 4269), có 98 nhiệm vụ được giao cho các Bộ, ngành, Tập đoàn và Tổng công ty để triển khai thực hiện. Trong số này có 66 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2017 và năm 2018. Đến thời điểm 31/8/2018, đã có 41 nhiệm vụ hoàn thành, còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.

Các nhiệm vụ chưa hoàn thành và đã quá hạn tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm, xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; xây dựng phương án thoái vốn.

Cụ thể tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, các tồn tại hiện nay là cơ cấu lại các khoản nợ của 04 Dự án sản xuất phân bón; hoàn thành việc đàm phán và quyết toán gói thầu hợp đồng EPC và quyết toán Dự án đối với 03 Dự án: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

Tại nhóm các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại. Nhà máy NLSH Bình Phước tuy đã hoàn thành các công việc để sẵn sàng có thể vận hành lại nhà máy vào thời điểm thị trường thuận lợi nhưng thị trường hiện cũng chưa thuận lợi. Ngoài ra cũng chưa có phương án chuyển nhượng hoặt thoái vốn của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) khỏi Dự án.

Tại Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi, mục tiêu hiện tại là có thể vận hành lại nhà máy trong tháng 9 này. Các vấn đề còn tồn tại là xử lý tranh chấp, quyết toán Hợp đồng EPC, quyết toán Dự án.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ hiện chưa xây dựng phương án thoái vốn khỏi Dự án và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, thoái vốn khỏi Dự án.

Ở dự án này, chủ đầu tư cũng chưa phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện Dự án.

Các vấn đề còn tồn tại tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS) là thực hiện Kiểm toán nhà nước tại doanh nghiệp, làm cơ sở để Công ty triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu; tìm kiếm, thảo luận với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty DQS; quyết toán chuyển giao công nợ tàu 104.000 DWT.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ hiện cũng chưa xử lý tranh chấp phát sinh với Nhà thầu là Công ty xây dựng Hyundai Hàn Quốc (HEC) và hoàn thành công tác thanh quyết toán Dự án.

Tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn tồn tại việc đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại hợp đồng EPC.

Còn Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam cũng chưa thể tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án, bởi chưa có người mua dù đã đưa ra đấu giá lần đầu.

12 dự án yếu kém của Bộ Công thương ra sao sau 1 năm xử lý?
Có thể thấy nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các dự án của Tập đoàn Hoá chất, như DAP Đình Vũ bắt đầu có lãi, Công ty Thép Việt-Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư