Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái
Như Loan - 28/11/2020 08:21
 
Ngày 27/11, Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp diễn ra thành công với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Toàn cảnh Diễn đàn vừa diễn ra tại Hà Nội
Toàn cảnh Diễn đàn vừa diễn ra tại Hà Nội

Hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt với diễn biến từ các cuộc chiến tranh thương mại có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Theo Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan), cơ quan Hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt cuối năm 2019 đã phát hiện một công ty tại TP.HCM, không có thẩm quyền cấp C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên VCCI để cấp C/O cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng. Chứng tỏ rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề nóng cần được quan tâm.

Với tình hình diễn biến trên, có thể nói vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút đầu tư trong nước để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất. "Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử", vị đại diện này chia sẻ.

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, sự gia tăng quy mô và mức độ hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết và thi hành các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết và nghĩa vụ về Sở hữu trí tuệ, hoạt động đăng ký và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ được dự báo sẽ ngày càng sôi động.

Từ thực tiễn hoạt động của Cục Sở hữu Trí tuệ các đại biểu đều đồng ý đang có sự gia tăng nhanh chóng về tầm quan trọng, giá trị và tỷ trọng của tài sản trí tuệ trong tổng tài sản của doanh nghiệp Việt Nam. Ở các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong tầm nhìn đến năm 2030, thương hiệu và tài sản trí tuệ chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định tương tự như doanh nghiệp ở các nước phát triển.

Diễn đàn đã tạo ra cơ hội để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay; mang ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào phòng chống hàng giả, hàng nhái, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái
Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư