Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Điện gió tăng tốc để kịp hưởng mức giá tốt
Hoàng Nam - 03/03/2020 09:12
 
Trong khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế có dấu hiệu đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19, thì các dự án điện gió lại đang bước vào giai đoạn tăng tốc để kịp được hưởng mức giá tốt.
Các nhà đầu tư điện gió đang gấp rút hoàn thành Dự án để hưởng mức giá điện ưu đãi.
Các nhà đầu tư điện gió đang gấp rút hoàn thành dự án để hưởng mức giá điện ưu đãi.

Tăng tốc

Tuần trước, Dự án điện gió Hiệp Thạnh, công suất 78 MW tại Trà Vinh đã được khởi công, bước sang giai đoạn triển khai trên thực địa.

Được xây dựng trên diện tích khoảng 2.800 ha tại khu đất bãi bồi ven biển, Dự án điện gió Hiệp Thạnh có 18 cột tua-bin gió sẽ lần lượt đưa các tua-bin đầu tiên vào vận hành trong cuối năm 2020 và hoàn tất toàn bộ dự án vào giữa năm 2021.

Ông Lâm Minh, Tổng giám đốc Công ty Ecotech Trà Vinh cho hay, Công ty đang phấn đấu để về đích sớm hơn so với dự kiến trên bằng cách chọn phương án thi công hiện đại hơn, nhằm rút ngắn thời gian, tuy chi phí có đắt hơn so với phương pháp thi công thông thường với các dự án điện gió trên biển hiện nay.

Đây là điều không ngạc nhiên, bởi theo quy định hiện nay, các dự án điện gió được cấp Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 sẽ được hưởng mức giá khá hấp dẫn là 9,8 UScent/kWh cho dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 UScent/kWh cho dự án điện gió trên bờ.

Với thực tế các dự án điện mặt trời vận hành sau ngày 30/6/2019 tới nay vẫn chưa biết mức giá mới được chốt ra sao, hay phải đối mặt với việc chọn nhà thầu để phát triển dự án khá phức tạp, thì sự lo lắng của các chủ đầu tư điện gió về giá điện gió “mông lung” sau ngày 1/11/2021 là dễ hiểu. Bởi vậy, guồng chân nhanh nhất có thể là điều mà các chủ đầu tư phải tính toán kỹ vào thời điểm này, nếu muốn được hưởng mức giá tốt.

Không chỉ Dự án điện gió Hiệp Thạnh được tiến hành khởi công để thi công trên thực địa, trước đó ít ngày, Nhà máy điện gió số 3 của Công ty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power (BPPVC) cũng đã được khởi công xây dựng ở Sóc Trăng với công suất giai đoạn I là 29,4 MW, gồm 7 tua-bin gió và tổng mức đầu tư 1.365 tỷ đồng. Tổng công suất toàn bộ của dự án này khi được hoàn thành là 65 MW.

Cũng ngay đầu tháng 3 này, sẽ có thêm Dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (giai đoạn I công suất 30 MW) được khởi công xây dựng.

Thống kê của Ban Thị trường điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới hết tháng 1/2020, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp COD, hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD.

Ngoài ra, còn khoảng 60 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025, nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

Nhiều thách thức

Việc phải đảm bảo có COD trước tháng 11/2021 đang được xem là thách thức với nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió hiện nay.

Theo các nhà tư vấn năng lượng tái tạo, hiện có tình trạng giữ chỗ để làm điện gió ở nhiều địa phương sau khi thấy các dự án điện mặt trời được hưởng mức giá tốt và triển khai quá nhanh thời gian qua.

Tuy nhiên, khác với điện mặt trời thi công khá nhanh, bởi việc cung cấp các tấm pin khá dễ dàng vì sự dư thừa công suất tại Trung Quốc và việc thi công lắp đặt hệ thống tấm pin khá đơn giản, chỉ mất trung bình 6 tháng, thậm chí là 4 tháng để hoàn tất, thì với điện gió, không chỉ ít nhà cung cấp tua-bin, mà việc thi công cũng đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, mất nhiều thời gian hơn. 

Đơn cử như với quy định hiện hành, các chủ đầu tư trước khi tiến hành khởi công công trình phải có số liệu đo gió trong 12 tháng. Nhưng ngay cả dữ liệu đo gió này cũng phải được các nhà cung cấp tua-bin chuẩn xác lại trước khi ký hợp đồng bán tua-bin, bởi các cam kết về vận hành sau này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Scott Powers, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty Siemens Gamesa Renewable Enegry Vietnam, đơn vị thuộc top 3 các doanh nghiệp đang cung cấp tua-bin gió cho nhiều dự án tại Việt Nam cho hay, ở thời điểm hiện tại, nếu ký hợp đồng thì cũng phải 1 năm sau chủ đầu tư mới nhận được tua-bin. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào muốn ký hợp đồng thì bên cung cấp tua-bin cũng nhận.

Dù có năng lực chế tạo tua-bin tới cả 10.000 MW/năm trên quy mô toàn cầu, nhưng nhà cung cấp tua-bin này cũng cho hay, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan cũng có nhu cầu lớn về tua-bin gió. Với các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ khi đủ sự tin tưởng, bên cung cấp tua-bin mới quyết định ký hợp đồng cung cấp.

“Sự tin cậy đến từ năng lực của chủ đầu tư, các số liệu liên quan tới dự án hay quá trình hợp tác để triển khai dự án”, ông Scott Powers nói.

Ở góc độ mua điện, EVN đã có cuộc gặp với các nhà đầu tư điện gió ngay từ đầu năm 2020 để đề nghị các chủ đầu tư tích cực đàm phán về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với EVN, cũng như phối hợp tốt trong quá trình triển khai dự án để hoàn tất các thí nghiệm liên quan nhanh nhất, đáp ứng được mong mỏi có COD trước tháng 11/2021.

Đối với các dự án đang chờ bổ sung quy hoạch, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương ưu tiên xem xét bổ sung quy hoạch các dự án đảm bảo khả năng giải tỏa công suất.

Theo tính toán của EVN, với mốc phải đạt COD trước ngày 1/11/2021 để được hưởng giá mua điện tốt, khu vực Phú Yên có thể có tình trạng quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ quá tải; khu vực Quảng Trị giải tỏa tốt khi có TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà; các khu vực còn lại đảm bảo giải tỏa tốt.
Quảng Trị còn hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời chờ bổ sung vào Quy hoạch
UBND tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời mà địa phương đã trình Bộ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư