Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Diện mạo của một điển hình về nông thôn mới tại Quảng Ninh
Thu Lê - 02/09/2018 16:52
 
Chương trình Xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu đã giúp cho xã Việt Dân (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) - một xã thuần nông vốn gặp nhiều khó khăn - khoác lên mình một diện mạo mới.

Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu 

Trong chuyến công tác đến xã Việt Dân, chúng tôi thực sự  bất ngờ về diện mạo khang trang của một xã nông thôn mới. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, Việt Dân là một trong 3 xã được tỉnh Quảng Ninh chọn để thực hiện thí điểm mô hình nông thôn kiểu mẫu từ năm 2017. Xã Việt Dân đã lựa chọn xây dựng 4 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 20 vườn mẫu tại các thôn: Đồng Ý, Phúc Thị, Khê Hạ, Khê Thượng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình trên địa bàn xã đạt trên 40,47 tỷ đồng. Hiện tại, các thôn nói trên đã đạt 100% chỉ tiêu, tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu. 

Một khu vườn kiểu mẫu tại xã Việt Dân
Một khu vườn kiểu mẫu tại xã Việt Dân

Ông Đỗ Đình Thế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Dân hồ hởi nói với chúng tôi: “Bây giờ, đến Việt Dân, mọi người có thể đi đến từng ngõ, xóm, đến từng nhà bằng ô tô rồi. Sạch, đẹp và rất xanh”.

Ông Thế chia sẻ, Việt Dân vốn là một xã nghèo, thuần nông, nên thu nhập của người dân rất bấp bênh. Trước năm 2010, đường trong xã toàn đường đất, đi lại khó khăn. Việc buôn bán nông sản không được thuận lợi và thường bị thương lái ép giá do không thể đưa ô tô vào thu gom hàng hóa. Nhưng đến nay, thu nhập trung bình của người nông dân đã đạt 40 - 50 triệu đồng/người/năm, có những hộ thu nhập lên đến hơn tỷ đồng/năm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bí thư Đảng ủy xã Việt Dân nhấn mạnh, việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là đi sâu vào việc nâng cao chất lượng các thành quả đã đạt được từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới và quan trọng nhất là thay đổi lối sống, nếp sinh hoạt của từng người dân, hộ gia đình; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quả thực, các con đường đi qua thôn Khê Thượng, Khê Hạ, Cửa Phúc, Phúc Thị, Tân Thành… rất sạch sẽ. Đường bê tông ngõ xóm được cạp rộng từ 3 - 5 m, ô tô có thể di chuyển, dừng đỗ thoải mái. Riêng trục đường chính liên xã đã được mở rộng đến 7 m. Dọc hai bên đường đều có tường rào vuông vắn bao quanh nhà, vườn của từng hộ, có mương thoát nước, hành lanh cây xanh do người dân tự trồng và chăm sóc. Các khu vườn có đường lát gạch bên trong để tiện chăm sóc và thu hoạch, có hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước.

Nâng cao thu nhập 

Với tiêu chí về nâng cao thu nhập, theo đánh giá của ông Vi Xuân Trọng, Phó trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh, là tương đối khó đối với cả Chương trình Xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng tại Việt Dân, tiêu chí này đang được cải thiện nhanh chóng. 

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với 132 ha vườn đồi tập trung và gần 50 ha nuôi trồng thủy sản, chính quyền xã đã vận động người dân thực hiện việc canh tác, sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời xây dựng thương hiệu cho nông sản của người dân. Nhờ đó, tại Việt Dân đã hình thành vùng trồng cây ăn quả như vùng trồng na trên 220 ha, vùng trồng cam Canh và bưởi Diễn trên 30 ha, cho thu nhập mỗi năm từ 200 - 500 triệu đồng/ha. Giá trị kinh tế vườn đồi của xã năm 2017 là 54,9 tỷ đồng, tăng 18,1 tỷ đồng so với năm 2012. 

Có được những kết quả này, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo xã Việt Dân cùng các tổ chức chính trị, xã hội đóng vai trò quan trọng. Tính tiên phong, gương mẫu, nhiệt tình của đội ngũ lãnh đạo chính là động lực để nhân dân cùng tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới. “Làm đường, làm trường không khó, nhưng để người dân ý thức, tự nguyện giữ gìn vệ sinh trong chính ngôi nhà mình và đường, ngõ xóm hàng ngày, giữ được nếp sống văn minh là không dễ, nhưng Việt Dân đã làm được”, ông Thế tự hào. 

Còn ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng thôn Tân Thành (thôn đăng ký hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2018) cho biết, để thôn, xóm được sạch sẽ như bây giờ, hơn 6 năm trời, ông liên tục đến từng nhà dân để vận động. “Giờ đã thành nếp, cứ đến chiều thứ 3, thứ 7 hằng tuần, khi có người thu gom rác đến thì mọi người mới mang rác thải ra đổ, chứ không để đầu ngõ hay trước cửa nhà như trước kia”, ông Đức nói.

Đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư