Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Điện mặt trời mái nhà vẫn lúng túng chờ chính sách
Thanh Hương - 02/02/2024 09:02
 
Khi các tồn tại trước đây chưa được giải quyết dứt điểm, thì việc phát triển điện mặt trời mái nhà gặp thêm những thách thức mới.
Phát triển điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp để tăng nguồn cung vào ban ngày ở miền Bắc 

Vướng mắc cũ chưa được giải quyết triệt để

Báo cáo tổng kết năm 2023 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, tổng số dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất lớn hơn 100 kWp chưa cấp đủ hồ sơ thủ tục hiện là 260, với tổng công suất 163,5 MWp. Số dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa có giấy đăng ký kinh doanh đang tạm dừng thanh toán là 84, với tổng số tiền tạm dừng thanh toán tính đến ngày 22/12/2023 là 176,85 tỷ đồng.

Một lãnh đạo EVNNPC cho hay, trước đây, trong hợp đồng mẫu không có nhiều yêu cầu đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng khi các đoàn thanh, kiểm tra có nhắc nhở về việc phải có giấy phép xây dựng, hay chấp thuận của địa phương, hay giấy phép phòng cháy chữa cháy, ngành điện lực cũng phải yêu cầu các hộ hoàn thiện.

Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, nên không quan tâm việc phải có giấy phép phòng cháy chữa cháy. Hay khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý sau thanh, kiểm tra đưa ra quy định phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền địa phương, ngành điện chủ động mời UBND tỉnh, nhưng không phải chỗ nào cũng vào, vì có tâm lý ngại, sau này có sai phạm gì lại phải chịu trách nhiệm. 

“Điện lực yêu cầu người dân tự hoàn thiện giấy tờ còn thiếu, thì họ bức xúc cho rằng, trước đây không có yêu cầu như thế, giờ lại yêu cầu nhiều thứ quá. Mà không đủ giấy tờ thì điện lực không dám thanh toán”, đại diện EVNNPC cho hay.

Vẫn theo vị này, có những hộ dân đang vướng mắc về giấy tờ, điện lực không dám thanh toán, thì họ dỡ luôn hệ thống điện mặt trời mái nhà để đỡ bực mình. Nhưng ngành điện lại bị vướng là sản lượng họ đã phát bán cho mình trước đây giờ không có đủ giấy tờ theo yêu cầu để thanh toán, nên cứ để tồn tại. “Chúng tôi đã báo cáo cấp trên, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết”, đại diện EVNNPC cho biết.

Do chưa xử lý dứt điểm các tồn tại của điện mặt trời mái nhà trước thời điểm năm 2021, nên việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu vực miền Bắc - một trong những giải pháp có thể thực hiện nhanh để tăng nguồn cung vào ban ngày - được dự báo là có thách thức trong giai đoạn tới.

Nhận xét về câu chuyện này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Điều 6, Dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà quy định, doanh nghiệp, người dân phải nộp hồ sơ xin phép UBND cấp tỉnh trước khi thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, thủ tục này chưa có quy định rõ ràng về trường hợp nào được chấp thuận, trường hợp nào không. Điều này có thể tạo ra sự tùy tiện trong quá trình thực thi, dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, theo VCCI, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung này một cách minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, cần quy định rõ theo hướng, điện mặt trời mái nhà không liên kết với điện lưới quốc gia, nên không cần làm thủ tục đăng ký phát triển.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định trên là không cần thiết, bởi đây thường là những trường hợp lắp các tấm pin mặt trời nhỏ tại vùng sâu, vùng xa, để phục vụ một số thiết bị điện không cần vận hành liên tục như máy bơm hoặc có thiết bị lưu trữ điện đi kèm.

“Loại hình điện mặt trời mái nhà này không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an toàn lưới điện, không bị giới hạn về tổng công suất, nên không cần Nhà nước phải quản lý bằng một thủ tục hành chính về điện lực. Trong trường hợp điện mặt trời mái nhà loại này cần phải quản lý về mặt an toàn công trình xây dựng, hay phòng cháy chữa cháy, thì đã có các thủ tục tương ứng”, VCCI nhận xét.

Phát sinh vấn đề mới

Dự thảo về phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay chỉ khuyến khích tự sản, tự tiêu được cho là không khuyến khích người dân tận dụng loại năng lượng trời cho này.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển điện mặt trời mái nhà là cần có quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất các thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng một cách thuận lợi.

Một số doanh nghiệp cho hay, trong cùng một tòa nhà có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng điện, một trong số đó đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và muốn bán lại cho các tổ chức, cá nhân khác trong cùng tòa nhà đó. Tức là lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà không được truyền tải qua đường dây của công ty điện lực.

“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà như vậy sẽ có thêm nguồn lực để phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia”, bản góp ý của VCCI nhấn mạnh.

Là đơn vị trong ngành điện, EVNNPC cho hay, nên có quy định cho bán lên lưới với một mức giá thấp kiểu 1.000 đồng/kWh với các hệ điện mặt trời mái nhà có công suất thấp ở mức quy mô hộ gia đình hay tòa nhà như giá trị cộng thêm để khuyến khích vốn trong dân lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, giảm tải áp lực nhu cầu cung điện ban ngày cho miền Bắc vốn ở trạng thái cung tăng mạnh mà cầu không dồi dào.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Các thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường với điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và được áp dụng khác nhau tại các địa phương.

Theo các doanh nghiệp, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển điện mặt trời mái nhà là cần có quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất các thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng một cách thuận lợi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách về việc rà soát các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác có liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà và đề xuất việc sửa đổi luôn tại Nghị định này.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng điện mặt trời mái nhà liên kết với điện lưới quốc gia bị giới hạn công suất 2.600 MW theo Quy hoạch Điện VIII. Theo VCCI, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp, vì giới hạn công suất này áp dụng cho cả trường hợp không phát lên lưới, không làm tăng công suất nguồn của điện lưới quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa như việc giảm phụ tải.

Đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà
Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư