Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Định kiến bóp nghẹt điện thoại Việt
Hữu Tuấn - 22/05/2015 09:14
 
Nếu không xóa tan được định kiến về điện thoại thương hiệu Việt, thì các thương hiệu điện thoại Việt sắp ra mắt như Bphone, Massgo… rất khó thành công.

Hai điểm yếu của điện thoại thương hiệu Việt

Ngày 26/5/2015, Bkav sẽ ra mắt mẫu Smartphone đình đám Bphone, chiếc điện thoại thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu công nghệ từ cuối năm 2014 đến nay. Smartphone Bphone được lãnh đạo Bkav đánh giá còn hơn cả iPhone 6 .

Để thoát khỏi định kiến của người tiêu dùng, Bkav phải chứng minh mình là một OEM hoàn hảo
Để thoát khỏi định kiến của người tiêu dùng, Bkav phải chứng minh mình là một OEM hoàn hảo

 

Cùng thời điểm này, 3 sản phẩm Smartphone thương hiệu Việt ở phân khúc trung bình, “có cấu hình cao hơn, nhưng giá rẻ hơn OPPO” là Massgo T5, Massgo E3, Massgo Vi2 của Công ty cổ phần Masscom cũng sẽ chào bán ra công chúng.

Hai sản phẩm thương hiệu Việt khá được chú ý, một ở dòng sản phẩm Smartphone cao cấp, một ở dòng trung cấp, liệu có thành công hay không vẫn còn đang ở phía trước. Tuy nhiên, nếu ông chủ của hai thương hiệu điện thoại này không giải quyết được khúc mắc về bảo hành, tâm lý “sợ hàng Trung Quốc” đang hiện hữu, thì rất có thể, Bphone, Massgo sẽ lại “chết yểu” như hàng loạt sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt khác.

Ngoại trừ một số sản phẩm của Mobiistar, HK Phone, từ năm 2010 đến nay, các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt của Q-mobile, FPT, VNPT, Viettel, Mobell, Hi-mobile, Bluefone… sau khi ra mắt đều “cùng chung số phận” ế ẩm trên các kệ hàng.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm công nghệ (Công ty VNPT Technology), Smartphone Vivas Lotus mang đi giới thiệu ở các thị trường nước ngoài như Bắc Mỹ, Australia… được đối tác đánh giá rất cao. Thế nhưng, tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng không đánh giá cao sản phẩm này, thậm chí còn “ném đá” sản phẩm.

Điều này nói lên thực trạng chung là niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt đang rất thấp. Nguyên nhân được cho là những sản phẩm này được đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ vẽ kiểu dáng, thiết kế, vỏ Việt - ruột Trung Quốc, phần mềm nghèo nàn, tính năng èo uột….

Trong khi đó, các nhà cung cấp lại không chứng minh, hoặc không thuyết phục được khách hàng về những giá trị sáng tạo của họ trong quá trình tạo ra sản phẩm. Họ cũng không truyền thông để khách hàng hiểu rằng, ngay cả những siêu phẩm của Apple, Samsung, Nokia… đều lấy linh kiện từ các nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc, Việt Nam…

Một tồn tại khác nữa khiến khách hàng không mấy mặn mà với sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt là hệ thống bảo hành, chăm sóc khách hàng của các sản phẩm thương hiệu Việt gần như không có.

Đâu là đường ra cho điện thoại “made in Vietnam”?

Cũng có nhiều lời than vãn của doanh nghiệp rằng, người Việt Nam không ủng hộ hàng Việt Nam. Nhưng rõ ràng, muốn được khách hàng ủng hộ, bản thân các sản phẩm phải đạt chất lượng như kỳ vọng, phải đủ tốt để xứng với số tiền khách hàng bỏ ra. Chính vì vậy, các smartphone thương hiệu Việt còn rất nhiều việc phải làm thì mới chiếm được thị phần trong miếng bánh khổng lồ 90 triệu dân, mà phần lớn trong số này đang dùng sản phẩm của Apple, Samsung, LG, OPPO, Asus, HTC…

Tại thời điểm này, ngay cả khi các sản phẩm của Bkav và Masscom sắp lên kệ, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa nắm được hết giá trị của sản phẩm sắp được bán. Chẳng hạn, Bphone của Bkav là OEM tự thiết kế tạo dáng sản phẩm, thiết kế cơ khí, đến thiết kế bo mạch điện tử bên trong (mua linh kiện về và tích hợp trên bo mạch) và thường tự phân phối bán sản phẩm dưới tên thương hiệu của họ giống như Apple đang thuê Công ty Foxconn.

Để thoát khỏi định kiến của người tiêu dùng, Bkav phải chứng minh mình là một OEM hoàn hảo, sử dụng 100% công sức và trí tuệ của người Việt. Còn Masscom cần chứng minh cùng loại sản phẩm có cùng cấu hình, kiểu dáng, tính năng, hệ điều hành nhưng sản phẩm ODM phải rẻ hơn OPPO, Xiaomi, Asus.

Mặt khác, các sản phẩm của cả Bkav, Masscom phải có một hệ thống phân phối, trưng bày, bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng. Đối với sản phẩm công nghệ, đây là yếu tố quyết định sự “xuống tiền”, cũng như sự yêu thích, trung thành của khách hàng trước khi chọn mua sản phẩm.

Bộ ba smartphone Massgo "cấu hình cao, giá thấp"
Ngày 15/5, Công ty CP Masscom đã ra mắt bộ ba sản phẩm Smartphone mới: Massgo T5, Massgo E3 và Vi2 có giá từ 2-3,5 triệu đồng/chiếc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư