Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp châu Âu vẫn trung thành với Việt Nam
Nguyên Đức - 28/08/2013 12:07
 
20% doanh nghiệp châu Âu đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh của họ sang thị trường ASEAN khác, nhưng 80% vẫn chọn trung thành với thị trường Việt Nam trong dài hạn.
TIN LIÊN QUAN

Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) hôm nay công bố kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu quý III/2013.

Theo đó, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn không thay đổi so với quý trước - duy trì ở mức trung bình.

Phần lớn doanh nghiệp châu Âu vẫn trung thành với
thị trường Việt Nam trong dài hạn

Sự thay đổi lớn này phần lớn là do số lượng doanh nghiệp phản hồi có đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại giảm từ 43% xuống còn 38%.

Điều này thể hiện rõ hơn khi số lượng phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại tăng từ 25% của quý trước lên 28%.

Tuy nhiên, xét về tương lai, triển vọng kinh tế được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện với lượng phản hồi tích cực tăng lên 51% so với mức 43% của quý trước và 30% của quý trước nữa.

Đây là một sự minh chứng rõ ràng cho việc các doanh nghiệp hội viên của EuroCham cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát của EuroCham cũng cho thấy, số doanh nghiệp phản hồi hy vọng tăng đầu tư tại Việt Nam đã giảm 8 điểm % (từ 42% xuống còn 34%).

Số doanh nghiệp có ý định “tăng đầu tư đáng kể” đã quay lại cùng mức quý I năm nay là 8%, 13% của quý trước và 20% cách đây 1 năm. Ngoài ra, có dấu hiệu tăng nhẹ về các doanh nghiệp cho rằng, sẽ giảm đầu tư tại Việt Nam, từ mức 19% quý trước lên 21%.

Tuy nhiên, với câu hỏi về vai trò của ASEAN trong các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp châu Âu, khoảng 1/5 phản hồi đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh của họ sang thị trường ASEAN khác trong 6 tháng vừa qua.

45% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, các thị trường ASEAN khác là điểm đến cho kinh doanh tốt hơn Việt Nam, 37% cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% cho rằng Việt Nam là mức hàng đầu.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hơn, 80% phản hồi chưa cân nhắc việc chuyển dịch kinh doanh, và điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp hội viên EuroCham vẫn trung thành với thị trường Việt Nam về mặt dài hạn.

“Điều đáng suy ngẫm là chỉ số môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng và duy trì ở mức trung bình. Ngay cả khi nhiều doanh nghiệp đã hoạt động ở đây một thời gian dài ,thì điều thú vị và đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp phản hồi họ nhận thấy các thị trường ASEAN khác là những điểm đến kinh doanh tốt hơn và tiềm năng hơn”, Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund chia sẻ và bày tỏ quan điểm rằng, điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện các vấn đề cơ cấu cơ bản của nền kinh tế, cũng như đảm bảo một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư