Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp FDI “vào mùa”
Khánh Linh - 04/04/2015 07:10
 
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã qua giai đoạn “nằm vùng”, đang bắt tay vào mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp FDI cam kết đẩy mạnh đầu tư vào TP.HCM
Doanh nghiệp FDI kê khai online từ 1/3/2015
Cơ hội kinh doanh 2015 thuộc về ai?
Ông lớn công nghệ cao dốc vốn vào Việt Nam
Kinh tế tư nhân - thịnh vượng cho kinh tế Việt Nam

Ông Chun Yu Kil, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ô tô Doosung Việt Nam (Doosung Vina), DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại rơ-moóc chuyên dụng, đang hối thúc tiến độ của công trình nhà kho. Theo kế hoạch, tháng 6 tới, khu vực văn phòng và nhà kho mới sẽ được hoàn thành. Cùng với đó, phần mặt bằng cho nhà xưởng mới cũng sẽ được hoàn tất.

Đơn hàng gia tăng, Doosung Vina đang hối thúc tiến độ công trình nhà kho

“Đơn hàng đang tăng khiến chúng tôi phải sử dụng hết phần diện tích còn lại trong 50 ha đất của Công ty tại Cụm Công nghiệp Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Khoản đầu tư nhà xưởng này dự kiến khoảng 8 triệu USD. Nếu tình hình vẫn tốt, nhà xưởng thứ hai sẽ được lắp ráp vào cuối năm”, ông Chun Yu Kil trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Cần phải nói rõ, khoản 8 triệu USD này gấp đôi số vốn đầu tư đăng ký của Công ty theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp vào năm 2006, đăng ký lại vào năm 2008. Hơn thế, đây cũng là quyết định đầu tư đầu tiên của Công ty sau gần 10 năm “nằm vùng”, hoạt động cầm cự tại Việt Nam.

“Năm 2013 trở về trước, công ty hoạt động rất khó khăn, chỉ có vài chục công nhân. Nhưng từ năm 2014 đến nay, tình hình đã sáng sủa hơn, khi hoạt động kiểm soát xe quá tải, quá khổ được làm chặt. Các doanh nghiệp vận tải buộc phải hoàn thiện đội xe của mình theo đúng quy chuẩn. Sản lượng sản xuất năm 2014 là 600 chiếc, năm 2015 sẽ xuất xưởng khoảng 2.000 xe. Chúng tôi đang có hơn 100 công nhân và đang tuyển dụng tiếp. Có thể phải tuyển cả công nhân nữ”, ông Chun Yu Kil hồ hởi chia sẻ các kế hoạch mới.

Thậm chí, ông Chun Yu Kil còn tiết lộ, công ty mẹ là Doosung Motor (Hàn Quốc) cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư một DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự kiến tại Hưng Yên. Dự định, các phần việc mà Doosung Vina đang phải thuê gia công, hoặc nhập khẩu từ nước ngoài sẽ được chuyển sang doanh nghiệp mới này.

Với những người đã biết tình trạng của Doosung Vina thời kỳ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại nhưng giá vô cùng rẻ của Trung Quốc, cạnh tranh với thói quen chỉ cần đầu tư rơ-moóc 70 tấn vẫn có thể chở được 100 tấn, thì mới thấu hiểu niềm vui của vị giám đốc có 40 năm trong nghề này. Hiện tại, theo ông Chun, cùng với các kế hoạch mở rộng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất từ Hàn Quốc sang Việt Nam cũng bắt đầu được triển khai…

Cách Doosung Vina không xa, tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh cũng đang lên kế hoạch xây thêm một xưởng dập 5.000 m2 trong khuôn viên diện tích nhà xưởng của Foster Bắc Ninh hiện là 33.000 m2, với 3.900 lao động. Năm ngoái, sản phẩm loa ô tô đã được đưa vào sản xuất tại đây, cùng với sản phẩm trước đó là tai nghe.

“Cho đến thời điểm này, tổng vốn đã giải ngân của Công ty đã là khoảng 55 triệu USD”, ông Lã Văn Thành, Giám đốc hành chính của Foster Bắc Ninh cho biết.

Foster Bắc Ninh là một trong 5 nhà máy của Tập đoàn Foster (Nhật Bản) đang hoạt động tại Việt Nam. Sản phẩm của doanh nghiệp là các loại loa, tai nghe và linh kiện điện tử các loại. Toàn bộ sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của chính công ty mẹ.

Cũng phải nhắc lại sự kiện Công ty LG Electronics (LG) Việt Nam vừa khai trương Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (TP. Hải Phòng), với tổng giá trị đầu tư 1,5 tỷ USD để nói về xu hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN FDI.

Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói, tến độ triển khai dự án thể hiện quyết tâm đầu tư lâu dài và gắn bó với Việt Nam. “Chính các động thái cụ thể này đang thu hút thêm các nhà đầu tư khác đến Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Có thể nói rằng, những khoản đầu tư của các doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng rõ ràng, đang tạo nên điểm sáng giải ngân trong hoạt động FDI - theo phân tích của ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Số liệu về FDI quý I/2015 thể hiện khá rõ xu hướng này, khi vốn giải ngân đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ số này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư với những cải thiện về môi trường đầu tư - kinh doanh mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy và dự địa mới của hội nhập, khi Việt Nam vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây cũng là lý do chúng tôi lạc quan về số vốn thu hút đầu tư năm nay”, ông Quang phân tích khi nhận được chất vấn về sự sụt giảm số vốn thu hút FDI quý I năm nay chỉ bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Đặc biệt, dòng đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục ghi điểm trong bảng xếp hạng FDI của quý I/2015 về cả thứ hạng và lĩnh vực.

Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,05 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 294,36 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.

Đa phần dòng vốn này đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực thu hút được 1,4 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I/2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư