Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình: Kiến tạo tương lai từ di sản
Ngọc Hảo - Trung Kiên - 27/06/2022 15:42
 
KPMG Private Enterprise phối hợp với STEP Project Global Consortium đã tiến hành một cuộc khảo sát với 2.439 nhà lãnh đạo doanh nghiệp gia đình trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo cho thấy những tố chất chung như tinh thần kinh doanh bền vững, khả năng phục hồi sau khó khăn, sự giàu có và danh tiếng được xây đắp, và năng lực lãnh đạo được chuyển đổi và tiếp nối đã cấu thành nguồn năng lượng lâu bền giúp duy trì các doanh nghiệp gia đình qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch, kiểm soát và quản trị bài bản, theo sát mọi sự thay đổi xã hội, môi trường và công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp gia đình duy trì tăng trưởng trong tương lai. 

Truyền thống kinh doanh liên thế hệ

Di sản được bồi đắp, chứ không tự nhiên có. Nói một cách khác, doanh nghiệp gia đình phải được nuôi dưỡng và thích ứng để có sự phát triển liên tục và thịnh vượng lâu dài.

Ước mơ của người sáng lập là có các thế hệ con cháu tiếp nối tầm nhìn và thành công của gia nghiệp, và qua đó tiếp tục bồi đắp di sản gia đình. Một cách tự nhiên, các thế hệ kế cận với những thế mạnh riêng về kiến thức và năng lực gánh vác trọng trách tiếp tục phát huy tinh thần kinh doanh đó.

Nghĩa vụ này thường phải đối mặt với nhiều thách thức do những thay đổi về kinh tế - xã hội cũng như sự khác biệt chủ quan giữa các thế hệ. Thực tế cho thấy các gia tộc doanh nghiệp thành công đã thắng những thử thách của thời gian nhờ thích ứng với thay đổi; họ có bản lĩnh và năng lực đứng lên sau thất bại cùng tinh thần tích cực vượt khó và luôn đi trước thời đại.

Do đó, mỗi thế hệ kế thừa cần sẵn sàng đón nhận những thách thức và cơ hội mới với sự tận tâm mãnh liệt và niềm tin vững chắc, luôn hành động dựa trên một nền tảng giá trị và mục đích rõ ràng. Sự kết hợp của những phẩm chất ấy sẽ kết tinh thành một năng lực độc đáo của doanh nghiệp gia đình, tạo nên sự khác biệt không thể sao chép.

Định nghĩa lại khái niệm giàu có

Sự giàu có không đơn thuần là quy mô và sự phân bổ tài sản mà nó còn đồng nghĩa với niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của những thành viên trong một gia tộc có danh tiếng và được trọng vọng – nói dưới hình thái cảm xúc xã hội là “giàu ở làng, sang ở nước”. Sự “giàu có về cảm xúc xã hội” này khiến các thế hệ kế thừa hiểu rằng mình là một phần của di sản, nên đương nhiên phải có nghĩa vụ bảo tồn cho các thế hệ kế tiếp.

Di sản được tạo nên từ những câu chuyện. Mỗi thế hệ tạo ra những câu chuyện thành công và thất bại của riêng mình. Những câu chuyện gần như huyền thoại đó là nguồn phù sa bồi đắp cho sự thịnh vượng của doanh nghiệp gia đình để các thế hệ mai sau thừa hưởng và suy ngẫm.

Sự thay đổi phong cách lãnh đạo

Doanh nghiệp gia đình phải thích ứng để phát triển. Các nhà lãnh đạo kế cận phải học cách đánh giá những thách thức và cơ hội với quan điểm toàn cầu ở cả cấp độ ngành và cấp độ doanh nghiệp.

Để phát triển trong thời đại mới , các doanh nghiệp gia đình cần sự đổi mới, linh hoạt, đa dạng và toàn diện cũng như cần có một phong cách lãnh đạo trẻ hóa và thuyết phục để tối ưu hóa việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lực và kinh nghiệm đa dạng từ các thành viên trong gia đình.

Định hướng tương lai - Quay về các nguyên tắc cơ bản

Cơ cấu quản trị

Các doanh nghiệp gia đình thường gặp mâu thuẫn trong việc cân nhắc các ưu tiên để đưa ra quyết định hiệu quả, do đó họ phải có cơ chế quản trị, cấu trúc sở hữu và lãnh đạo phù hợp; tất cả đều phải được điều chỉnh để doanh nghiệp luôn hoạt động phù hợp với mục đích chung trong từng thời điểm.

Các gia tộc cần đảm bảo có sự phân định rõ ràng và công bằng về trách nhiệm giải trình, sự kế thừa, và cơ chế giải quyết các xung đột tiềm ẩn. Việc tài liệu hóa các quy trình này sẽ giúp tái khẳng định những việc thực sự cần làm trong hoạch định chiến lược, duy trì sự tin tưởng về tài chính, bảo vệ uy tín doanh nghiệp và nền tảng kiến thức gia truyền. 

Quản trị tài chính

Việc thiết lập các định chế quản trị tài chính tốt giúp các doanh nghiệp gia đình có cơ sở rõ ràng để đánh giá chính xác và kịp thời tình trạng kinh doanh, cũng như xem xét các cơ hội kinh doanh một cách khách quan trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)

Các doanh nghiệp gia đình đóng một vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu với tư cách vừa là người đóng góp vừa là người thúc đẩy các hoạt động kinh doanh hướng đến các mục đích xã hội tốt đẹp. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm để các doanh nghiệp gia đình đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt những thay đổi xã hội tích cực.

Một chiến lược ESG cần có sự hòa hợp giữa các giá trị cốt lõi của gia đình và tầm nhìn kinh doanh sẽ giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững hơn, tăng cường niềm tin với các bên liên quan, và tạo ra tác động tích cực đến doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội rộng lớn. Ở góc độ này, có thể thấy một chiến lược ESG sẽ tạo ra cả giá trị hữu hình và vô hình mang tính kế thừa.

Cam kết kỹ thuật số

Các thế hệ trẻ hơn được sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số mang tính đột phá, nên họ có thiên hướng tiếp nhận tự nhiên đối với công nghệ. Với một định hướng chuyển đổi số đúng đắn, đi cùng với cách tổ chức tư vấn chiến lược và triển khai chuyên nghiệp, các doanh nghiệp gia đình hoàn toàn có thể tin tưởng trao gửi trọng trách cách mạng số hóa doanh nghiệp cho các thế hệ trẻ.

KPMG Private Enterprise

KPMG Private Enterprise hiểu những yêu cầu đặc thù của các doanh nghiệp gia đình luôn thay đổi theo thời gian và đồng cảm với tư duy kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp. Thành công của các doanh nghiệp gia đình khách hàng chính là di sản của chúng tôi.

Tác giả: Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Partner, Trưởng bộ phận Tư vấn Chuyển đổi Doanh nghiệp, KPMG Việt Nam và ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc khối Doanh nghiệp Tư nhân, KPMG Việt Nam.

.

Chuyển giao thế hệ tại doanh nghiệp gia đình: Coi chừng “Hội chứng dùi cui”
Nhiều doanh nghiệp gia đình có thể đang gặp phải “Hội chứng dùi cui” - khi về mặt lý thuyết, họ đã trao quyền cho nhà lãnh đạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư