Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp lơ mơ pháp luật về hải quan
Chí Tín - 30/09/2013 08:23
 
Trong cuộc đối thoại giữa Cục Hải quan Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra cuối tháng 9, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và cơ quan hải quan là tình trạng vi phạm thủ tục hải quan do không nắm rõ quy định pháp luật hoặc không có quy trình quản lý tốt. Khai sai mã hàng, Zong Shen bị truy thu hơn 7 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết, sản xuất xuất khẩu và gia công là hoạt động có đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Do đó, khối kinh doanh này được hưởng nhiều ưu đãi về thuế (miễn thuế với hàng gia công và ân hạn với hàng sản xuất xuất khẩu).

Nhiều DN vi phạm thủ tục hải quan do không nắm rõ quy định pháp luật hoặc không có quy trình quản lý tốt (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, do có nhiều mặt hàng khá “lắt nhắt”, nhiều chi tiết, việc thực hiện hợp đồng thường phải làm nhanh để kịp tiến độ xuất khẩu cho đối tác, nên sai sót trong các quy trình khai báo và làm thủ tục hải quan xảy ra khá thường xuyên.

Ông Trịnh Ngọc Đoàn, đại diện Công ty cổ phần Hanel Xốp nhựa cho biết, Công ty có một số vi phạm liên quan đến định mức.

Cụ thể, Công ty có một số nhầm lẫn trong quá trình đăng ký định mức, nhưng đến khi bắt đầu chạy thanh khoản tờ khai hải quan mới phát hiện ra.

Khi thực hiện khắc phục sai sót này, việc giải quyết lại vượt quá thẩm quyền của Chi cục Hải quan Gia Thụy nơi đăng ký định mức, nên doanh nghiệp đã phải chờ hơn một tháng để Chi cục gửi công văn xin ý kiến Cục Hải quan Hà Nội, sau đó Cục Hải quan lại gửi công văn xin ý kiến Tổng cục Hải quan.

Mặc dù thừa nhận sự cố trên do lỗi của doanh nghiệp, nhưng ông Đoàn cũng cho rằng, cơ quan hải quan nên xem xét việc giao thẩm quyền giải quyết xuống cấp thấp hơn để giảm thời gian cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan hải quan.

Ngoài nhầm lẫn trong thực hiện thủ tục, trường hợp doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định dẫn đến việc “tự đưa mình vào thế bí” cũng không hiếm gặp.

Chẳng hạn, có doanh nghiệp bị xử phạt do tự ý chuyển nguyên liệu dư thừa từ hợp đồng gia công này sang thực hiện hợp đồng gia công khác mà chưa đăng ký tờ khai gia công chuyển tiếp và chưa được hải quan chấp nhận. Một trường hợp khác là Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Haprosimex cũng bị xử phạt do xuất khẩu sản phẩm rồi mới xin điều chỉnh định mức thực tế.

Theo đại diện Cục Hải quan Hà Nội, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót không đáng có như trên, ngành hải quan đang xây dựng cơ sở dữ liệu định mức chung và phần mềm quản lý định mức là cơ sở để toàn ngành tham chiếu, sử dụng trong kiểm tra định mức.

Về phía Tổng cục Hải quan, ông Trần Quốc Định, Phó trưởng ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng thừa nhận, hệ thống phần mềm quản lý hải quan còn thiếu những tính năng hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ làm việc với Cục Công nghệ thông tin để nâng cấp hệ thống công nghệ nhằm hỗ trợ việc quản lý tốt hơn”, ông Định nói.

Theo Cục Hải quan Hà Nội, trong cơ cấu các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chiếm tỷ lệ cao nhất, với 210 doanh nghiệp, chiếm 44,87%. Về ngành nghề kinh doanh, số doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ trọng cao nhất, với 212 doanh nghiệp, chiếm 45,3%.

Gỡ thủ tục hải quan cho hàng sản xuất khẩu
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp để tiếp thu các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư