Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp mời dân giám sát thủy điện xả lũ
Hoàng Minh - 30/09/2014 09:07
 
Mùa mưa bão năm 2014, Công ty Thủy điện A Vương tiếp tục mời đại diện nhân dân vùng hạ du tham gia giám sát việc xả nước của nhà máy.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
1,7 triệu dân thiếu nước, Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên Môi trường
Thủy điện: nỗi khiếp sợ của người Hà Tĩnh
Bộ trưởng Phát: "Chúng ta gặp may, nhưng không thể may mãi"
ĐBQH rưng rưng nói về hậu quả thủy điện xả lũ
Xử lý hình sự thủy điện xả lũ gây hại cho dân

“Bắt đầu từ thời điểm bước vào mùa mưa bão trong năm, Công ty đón các đại diện được nhân dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cử ra lên nhà máy, để tận mắt chứng kiến việc vận hành Hồ thủy điện”, ông Lê Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho biết.

  Doanh nghiệp mời dân giám sát thủy điện xả lũ  
  A Vương là nhà máy thủy điện đầu tiên trong cả nước có dân tham gia giám sát việc xả nước  

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, mùa mưa bão được tính từ ngày 1/9 đến ngày 15/12 hàng năm. Trong thời gian này, quân số tại Nhà máy Thủy điện A Vương có thêm 2 người dân đến từ huyện Đại Lộc.

Cách tới 70 km, nhưng Đại Lộc là huyện đầu tiên ở vùng hạ du chịu tác động từ việc xả nước của Hồ thủy điện A Vương. Có tổng cộng 12 người dân được chia thành nhiều đợt, luân phiên ở luôn tại Nhà máy 24/24 giờ trong suốt thời gian mùa mưa bão, nhằm tận mắt chứng kiến hoạt động vận hành nhà máy tại đập dâng - tràn Nhà máy Thủy điện A Vương.

Hoạt động này đã bắt đầu từ năm 2010. “Nhờ có những người được chính dân cử mà Nhà máy bớt vất vả khi giải thích cho bà con vùng hạ lưu về những thông tin “Hồ thủy điện xả nước gây lụt cho hạ du, tạo ra lũ chồng lũ”, trong khi trên thực tế, Hồ chưa hề xả chút nào”, ông Bản nói.

Chia sẻ tâm tư này, ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc còn cho hay, nhiều lúc, bà con cho rằng, chính quyền địa phương nói không chính xác về xả nước Hồ thủy điện hoặc hậu thuẫn việc Nhà máy Thủy điện xả nước, gây ngập lụt cho dân. Nhưng từ khi dân trực tiếp tham gia giám sát tại Nhà máy Thủy điện A Vương, bà con đã dần hiểu, không phải cứ lụt ở hạ du là toàn do thủy điện xả nước.

Được vận hành từ năm 2007, tới cơn bão số 9 năm 2009, Nhà máy Thủy điện A Vương trở thành tâm điểm của dư luận với thông tin “xả nước cứu thân, nhấn chìm Quảng Nam”, với hệ quả là, hàng chục vạn dân vùng hạ lưu của các con sông lớn ở Quảng Nam phút chốc chìm trong biển nước mà không hiểu vì sao.

Bởi vậy, để minh bạch hoạt động xả nước, không gây ra bức xúc trong dư luận, A Vương đã có sáng kiến mời người dân vùng hạ du tham gia giám sát trong mùa mưa bão. Đây cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên trong cả nước có dân tham gia giám sát việc xả nước, bên cạnh sự giam sát của các cơ quan chức năng theo quy định.

Để giúp dân nắm rõ thông tin, Công ty Thủy điện A Vương còn có hàng loạt hoạt động nhằm cập nhật liên tục việc xả nước của Hồ thủy điện. Đó là việc trang bị cho các trưởng thôn vùng hạ du liên quan radio cầm tay dùng pin và loa để họ cập nhật thông tin mưa bão chính thống, việc xả nước Hồ thủy điện và thông báo cho người dân.

Công ty cũng cấp hơn 2.000 áo phao cho Đội phòng chống lụt bão của huyện và các xã trong huyện để làm công tác cứu hộ. Có 16 trạm loa cảnh báo dọc sông Vu Gia được Công ty xây dựng nhằm thông báo sớm nhất đến bà con về tình hình xả nước của Hồ thủy điện. Ngoài điện lưới, các trạm loa cảnh báo này còn dùng điện dự phòng để đảm bảo hoạt động được 72 tiếng khi điện lưới không có.

Tại Hồ thủy điện, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở các van cung xả tràn, Công ty đã trang bị thêm 2 máy phát điện dự phòng để cấp điện khi sự cố điện lưới xảy ra trong mùa mưa bão.

Ông Bản cho hay, bình thường hệ thống thông tin liên lạc tại Hồ thủy điện A Vương và Nhà máy có sóng của các mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel, nhưng Công ty vẫn làm việc với Viettel để lắp đặt thêm đường cáp quang ngầm, giúp liên lạc thông suốt. Ngoài ra còn trang bị bộ đàm và điện thoại vệ tinh để đảm bảo thông suốt ngay cả khi mất Internet, mất mạng thông tin hoàn toàn.

Từ năm 2012, hệ thống camera có kết nối Internet để truyền hình ảnh vận hành của đập, khu vực cửa van cũng đã được trang bị để Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và tỉnh Quảng Nam giám sát được thực tế vận hành của Hồ thủy điện A Vương trong mùa mưa bão.

Với địa hình miền Trung có độ dốc lớn, sông ngắn, cộng thêm tác động từ việc làm thủy điện, khai thác rừng, khai thác khoáng sản, nên khi có mưa, nước về rất nhanh, khiến việc có được các thông số thủy văn tin cậy cao cũng là vấn đề.

Ông Bản cho hay, nếu dự báo không đúng, xả nhiều nước khiến không tích được đầy hồ tới mức nước dâng bình thường thì mùa hạn năm sau sẽ không thể tham gia xả nước chống hạn, ảnh hưởng đến mùa vụ và người dân. Vì vậy, ngoài việc ký hợp đồng với Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ để có số liệu chính thống, Công ty đã lắp thêm 5 trạm đo mưa trong lưu vực nhằm có thêm số liệu tin cậy, chính xác cho dự báo để kịp đưa ra các quyết định hợp lý.

Do năm 2014 có nhiều thay đổi trong quy trình vận hành liên hồ chứa các nhà máy Thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 và Đắc Mi 4, nên Công ty đã tiến hành các đợt tập huấn cho bà con nhân dân, ký lại quy chế phối hợp vận hành giữa các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vũ Gia - Thu Bồn, cũng như với chính quyền địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư