Chủ Nhật, Ngày 04 tháng 05 năm 2025,
Doanh nghiệp sẽ là trụ cột cho phát triển bền vững
Hải Hà - 17/05/2015 09:25
 
Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015 (VCSF) vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của trên 300 đại biểu.
TIN LIÊN QUAN

“Nếu đi một mình thì có thể đi nhanh nhưng nếu đi chung nhiều người thì có thể đi xa hơn. Trong tiến trình phát triển hướng tới xã hội bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm phát triển bền vững sao cho tài nguyên tiết kiệm nhất, cần có tinh thần thôi thúc làm việc và tư duy lớn về đạo đức kinh doanh để cùng nhau vươn tới tầm cao mới cho doanh nghiệp và đất nước.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh tại Diễn đàn diễn ra hôm 14/5.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Thượng viện Vương quốc Anh, Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Năng suất châu Á…và khoảng 300 đại biểu đại diện các Tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu cùng các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015 là cơ hội để các doanh nghiệp cùng những bên liên quan cập nhật thông tin về những chủ đề và xu hướng mới liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời tìm hiểu và thảo luận về các thông lệ, giải pháp và mô hình kinh doanh bền vững trên thế giới và Việt Nam.

Các diễn giả tại Diễn đàn VCSF
Các diễn giả tại Diễn đàn VCSF

 

Ông Vorapong, Giám đốc quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, để giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, một công cụ đo lường để ghi lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình phát triển doanh nghiệp bền vững hơn sẽ được phát triển thời gian tới.

Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đang đặt kế hoạch xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế cho tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, chính quyền, nhà đầu tư và công chúng.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Sự phát triển bền vững chỉ có thể được thực hiện khi doanh nghiệp là những người tiên phong thực hiện. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu như Viettel, TH True Milk, Unilever… cũng đang hướng tới chiến lược kinh doanh cùng người nghèo.”

Trao đổi với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn, ông Javier Ayala, Giám đốc điều hành Quỹ Thách thức Việt Nam cho biết, Quỹ được Chính phủ Anh quốc tài trợ bắt đầu hoạt động từ năm 2012, tại Việt Nam, Quỹ đang tìm kiếm những doanh nghiệp tiên phong của từng ngành để lựa chọn hỗ trợ.

Qua thực hiện, ông Javier cho rằng, vốn là vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp nhưng không phải tất cả mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cần tới hỗ trợ kỹ thuật nhằm đạt mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thế giới, việc tiếp cận khách hàng tiềm năng sẽ được mở rộng khi doanh nghiệp thực hiện và xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Do đó, Quỹ Thách thức Việt Nam rất muốn giúp các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững vừa đem lại hiệu quả kinh doanh vừa giúp xã hội phát triển cân bằng, đặc biệt là nâng cao được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015.”, ông Ayala nói.

Trong bối cảnh hội nhập và cộng đồng kinh tế ASEAN đang hình thành trong đó có tự do lưu chuyển lao động và tự do lưu chuyển dòng hàng hóa giữa các nước trong khối ASEAN đang tiến gần thì khoảng cách giàu nghèo giữa các nước trong khu vực và giữa các địa phương khác nhau trong cùng một nước ngày càng lớn. Như vậy, dư địa cho các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, kinh doanh cùng người nghèo đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam là rất lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp xã hội được nhận định là có sáng tạo và khả năng cạnh tranh cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.

Điều này Thứ trưởng Bộ Bình đẳng và Phúc Lợi Vương quốc Anh, bà Baroness Thornton minh chứng qua những con số. Tại Anh, số lượng doanh nghiệp xã hội có tốc độ hình thành nhanh gấp 3 lần số doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm. Trong số các doanh nghiệp khảo sát tại Anh thì 38% doanh nghiệp xã hội có mức tăng trưởng doanh thu và chỉ 29% doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu tăng. Số doanh nghiệp xã hội đưa ra những sản phẩm mới hàng năm là 59% còn số doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dừng lại ở 43%.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cải thiện năng suất, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm hướng đi mới, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.”. Phó Thủ tướng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư