Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp vẫn ngại trọng tài thương mại
Vũ Anh - 24/04/2013 10:47
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và rất phổ biến trong thương mại quốc tế, nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp vẫn còn e ngại sử dụng phương thức này.
TIN LIÊN QUAN

Ông đánh giá thế nào về tình hình tranh chấp thương mại trong những năm qua?

Từ khi thành lập (năm 1993) tới nay, mỗi năm, VIAC giải quyết mấy chục vụ tranh chấp thương mại.

Trong đó, năm 2011 có 83 vụ, năm 2012 là 64 vụ. Tranh chấp chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực mua bán, tài chính - ngân hàng, xây dựng, gia công, hợp tác đầu tư, dịch vụ, đại lý.

Đáng chú ý là, 71% số vụ kiện có liên quan tới yếu tố nước ngoài, chủ yếu từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.

Các vụ tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng, vậy vai trò của trọng tài được thể hiện như thế nào?

Việt Nam đã có Luật Trọng tài, nhưng các phương thức tuyên truyền còn chưa đến nơi đến chốn. Doanh nghiệp vẫn có thói quen dựa nhiều vào cơ chế bao cấp, nên còn e ngại sử dụng các tổ chức trọng tài phi chính phủ.

Do đó, Nhà nước cần đưa ra thông điệp rõ ràng, ủng hộ và giám sát một cách có hiệu quả đối với hoạt động trọng tài. Cụ thể, cái gì trong luật ghi Nhà nước cần hỗ trợ, thì nên làm triệt để. Để giám sát có hiệu quả, cần có bộ máy và nhân sự chuyên nghiệp về lĩnh vực này, đồng thời tòa án và cơ quan thi hành án phải đảm bảo rằng, các phán quyết của trọng tài không bị hủy. Trường hợp không được công nhận, thì phải có căn cứ rõ ràng, minh bạch.

Có như vậy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận thấy rằng, việc áp dụng phương thức trọng tài nhanh, hiệu quả, được quyền tự do lựa chọn nơi xét xử, trọng tài viên, quy tắc, phí trọng tài minh bạch, án phán quyết đã ban hành không bị hủy và được thi hành nhanh chóng, nên họ sẽ tìm đến và tín nhiệm với phương thức này.

Theo ông, những tranh chấp nào sẽ dễ xảy ra trong thời gian tới?

Đó là tranh chấp có liên quan đến các vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế và tranh chấp hợp đồng, lừa đảo, thanh toán trong mua bán hàng hoá. Nếu không áp dụng triệt để hình thức trọng tài, thì dễ dẫn tới hiện tượng tín dụng đen, đòi nợ thuê…

Vậy thời gian tới, VIAC sẽ có động thái cụ thể nào để nâng cao vai trò của mình, thưa ông?

Chúng tôi cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh trong phương thức trọng tài quốc tế, làm cho các quy tắc tố tụng, các quy định tương thích hơn với quy định của trọng tài quốc tế, để từ đó, doanh nghiệp nước ngoài thấy được rằng, chất lượng của trọng tài Việt Nam không thua kém trọng tài quốc tế. Ngoài ra, cần phải mời thêm trọng tài viên người nước ngoài về làm việc để tăng uy tín đối với doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư