Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đổi tên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, huyện: “Chúng ta không làm thì tương lai con cháu cũng phải làm”
Nguyễn Lê - 26/03/2024 16:49
 
Chánh án Nguyễn Hòa Bình kiên trì đề xuất tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử trong Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sửa đổi.
.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Nhiều đại biểu cho rằng không cần thiết quy định đổi mới tên gọi tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn thuyết phục cần đổi mới.

Chiều 26/3, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm rõ thêm về đề xuất tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sửa đổi.

Trước đó, nhiều đại biểu cho rằng nên giữ như hiện hành (phương án 1 tại Dự thảo) vì việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án này không thay đổi. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Ông Bình kiên trì quan điểm của Tòa án Nhân dân tối cao là theo phương án 2, tức là như Dự thảo Luật trình Quốc hội (đổi tên là tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân phúc thẩm). Bởi đây là quy định của Đảng, xuyên suốt từ trước đến nay, qua rất nhiều nghị quyết đều nói tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Luật không quy định tòa án cấp tỉnh làm cái này, cấp huyện làm cái kia, mà chỉ quy định tòa sơ thẩm làm gì, phúc thẩm làm gì. Bản án cũng không nói Tòa án Hà Nội làm cái này, Tòa án Ba Đình làm cái kia, mà chỉ nói tòa sơ thẩm quyết định thế này, tòa phúc thẩm quyết định thế kia, ông Bình giải thích.

Đối với truyền thống pháp lý, ông Bình cho hay từ khi thành lập tòa án, Bác Hồ đã lập các tòa án sơ thẩm, phúc thẩm. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 1946.

Còn tham khảo kinh nghiệm quốc tế, theo ông Bình, không có nước nào tổ chức tòa án cấp tỉnh, huyện, mà đây là thẩm quyền, quyền lực quốc gia, nên tổ chức theo thẩm quyền xét xử.

Hồi âm ý kiến một số đại biểu nói rằng, chỉ đổi tên mà không đổi thẩm quyền, ông Bình nhấn mạnh trong Dự thảo đã nêu rõ đổi tên và đổi thẩm quyền theo đúng thẩm quyền xét xử. Theo đó, rất nhiều nội dung được bổ sung và thẩm quyền của các tòa đã được ghi rõ.

"Không nên nói chỉ đổi tên không đổi thẩm quyền, mà đã đổi tên và đổi thẩm quyền trong luật. Nhưng việc đổi thẩm quyền còn nhiều hơn nữa khi chúng ta sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án”, ông Bình bày tỏ quan điểm.

Chúng ta đã tiến một bước là phân công cho tòa cấp huyện xử đến mức án 15 năm tù, nhưng trong trình độ hiện nay tòa cấp huyện có thể xử đến chung thân, tử hình. Chúng ta sẽ có bước đi hợp lý chứ không thể dừng ở cấp huyện xử 15 năm...", ông Bình nói thêm.

Về lợi ích, Chánh án chỉ rõ việc đổi tên đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án và điều này đúng với Hiến pháp, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.

"Do đó, chúng tôi xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lập 2 phương án để giải trình trước Quốc hội. Tôi đã nói hiện nay chúng ta không làm thì trong tương lai con cháu cũng phải làm”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình kiên trì bảo vệ quan điểm của Ban soạn thảo.

Ông Bình nhấn mạnh, đây là xu hướng của thế giới. Chúng ta đều biết đây là tiến bộ nhưng lý do này, lý do khác chưa làm được. Nếu không sửa bây giờ là lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư