Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đón sóng FDI xông đất năm 2014
Nguyên Đức - 23/01/2014 08:58
 
Những tín hiệu tích cực đầu năm mới 2014 hứa hẹn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Fuji Xerox khánh thành nhà máy 120 triệu USD

Vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư từ 145,9 triệu USD hiện tại lên 268,2 triệu USD cho Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Hải Phòng (VSIP Hải Phòng) cách đây đúng 5 ngày, ông Huỳnh Quang Hải, Thành viên Hội đồng Quản trị VSIP Group, đồng Chủ tịch VSIP Hải Phòng không giấu được niềm vui.

dự án FDI năm 2014
FUJI Xerox đã chọn VSIP Hải Phòng để “đứng chân”. Ảnh: Hà Thanh

“Chúng tôi tăng vốn đầu tư để vừa mở rộng quy mô, vừa để có thêm vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đón một làn sóng đầu tư mới vào đây. Đang có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam”, ông Hải hồ hởi nói.

Chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng theo ông Hải, hiện có khá nhiều nhà đầu tư, trong đó bao gồm cả nhà đầu tư khu đô thị, đã đàm phán với VSIP Hải Phòng để thuê đất, mở cơ sở sản xuất mới tại đây.

Với diện tích 1.600 ha, bao gồm cả KCN và khu đô thị, VSIP Hải Phòng đã chính thức khởi công xây dựng từ tháng 1/2010. Hàng loạt nhà đầu tư lớn, như Kyocera, FUJI Xerox (Nhật Bản)… đã chọn VSIP Hải Phòng để “đứng chân”.

“Sau một thời gian thu hút đầu tư và kinh doanh thành công, trở thành một trong những KCN hàng đầu ở miền Bắc, chúng tôi đã quyết định mở rộng đầu tư, tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới”, ông Hải nói và cho biết, sau quyết định này, diện tích phát triển KCN của VSIP Hải Phòng sẽ tăng lên từ 468 ha trước đây lên 748 ha.

Việc VSIP Hải Phòng giờ đây nằm trong khu vực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, theo ông Hải, cũng sẽ tạo thuận lợi lớn trong thu hút đầu tư, bởi các nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất. Và nhà đầu tư Nhật Bản chính là một trong những đích ngắm quan trọng nhất của VSIP Hải Phòng.

Trong khi đó, ở Vĩnh Phúc, một trong những “cực” hút FDI ở khu vực phía Bắc, trong những ngày đầu tháng 1/2014, Sindoh Vina (Hàn Quốc) cũng trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên “xông đất” tỉnh này, với dự án 30 triệu USD, chuyên sản xuất các thiết bị đa năng, thiết bị văn phòng như máy fax, máy photocopy, máy in laser... Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1/2015, sẽ thu hút khoảng 500 lao động trực tiếp, với thu nhập ổn định 250-400 USD/người/tháng.

“Chúng tôi chọn Vĩnh Phúc vì nơi đây có ưu thế về vị trí địa lý, địa hình, có môi trường đầu tư tốt. Lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”, ông Hwang Joon, thành viên HĐQT Công ty Sindoh cho biết.

Nhỏ hơn, nhưng không kém phần quan trọng, Yongbo Vina (Hàn Quốc), vào ngày 15/1/2014, đã được Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án 8 triệu USD để sản xuất tai nghe và các linh kiện, phụ kiện dùng trong tai nghe, pin, cáp dữ liệu, sạc cho điện thoại di động. Yongbo Vina là nhà đầu tư tiếp theo vào Bắc Ninh vì sức hấp dẫn của Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và 8 triệu USD này sẽ tiếp tục góp phần hình thành mạng lưới nhà sản xuất vệ tinh cho Samsung, cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam.

Không nhiều dự án lớn, song thông tin từ các địa phương cho biết, khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng 1/2014 và đây rõ ràng là những tín hiệu vui đầu năm, nhất là sau năm 2013, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ.

Không chỉ là vốn đăng ký mới, đầu năm 2014, “làng đầu tư” Việt Nam cũng đón nhận những tin vui, khi AEON đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động AEON Mall Tân Phú Celadon, 134 triệu USD; Lixil cũng đã khánh thành nhà máy 440 triệu USD ở Đồng Nai.

Trong khi đó, thông tin từ Hải Phòng cho biết, Công ty TNHH Dầu nhờn Idemitsu đã đưa vào hoạt động nhà máy chuyên sản xuất và pha chế các loại dầu bôi trơn thành phẩm từ dầu gốc và các chất phụ gia để tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu, vốn đầu tư 31,7 triệu USD hôm 9/1. Cũng trong tháng 1 này, Nhà máy Lốp xe Bridgestone, 1,22 tỷ USD, đã đi vào sản xuất thử để tháng 3/2014, chính thức vận hành. Sản lượng ngay tháng đầu tiên của Bridgestone có thể lên tới 30.000 lốp xe.

Chưa kể, việc nhà máy Samsung Thái Nguyên, vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 3 tới sẽ gây được sự chú ý không chỉ dư luận trong nước, mà cả quốc tế.

Và tất nhiên, không thể không nhắc tới sự kiện đình đám cách đây đúng 1 tuần: Ngày 14/1, tại Hồng Kông, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Vung Ro Petroleum) và Tập đoàn Rose Rock - một tập đoàn chuyên quản lý đầu tư và phát triển bất động sản cao cấp được sáng lập bởi các thành viên gia đình tỷ phú Rockefeller, đã ký Thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng ở vịnh Vũng Rô - Vung Ro Bay (Phú Yên). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2,5 tỷ USD.

Tuy chưa được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng đây cũng là tín hiệu vui đầu năm cho FDI của Việt Nam năm 2014. Hơn thế, lời khẳng định của ông Kirill Korolev, CEO kiêm Tổng giám đốc của Vung Ro Petroleum, có thể coi là lời chia sẻ của đông đảo các nhà đầu tư khác đã và đang đầu tư ở Việt Nam.

“Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều cơ hội đầu tư năng động và đa dạng, có nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Với các yếu tố nền tảng vững chắc và cơ cấu dân số lý tưởng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư”, ông Kirill Korolev nói.

Fuji Xerox: Việt Nam là cực sản xuất quan trọng
Ông Tadahito Yamamoto, Chủ tịch, kiêm Trưởng đại diện Công ty TNHH Fuji Xerox (Nhật Bản) cho biết, Fuji Xerox coi Việt Nam là một cực sản xuất quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư