Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dồn vốn đầu tư vào thế mạnh của Tây Nguyên
Thùy Liên - 17/05/2015 09:34
 
Xác định một trong những thế mạnh lớn nhất của Tây Nguyên là nông nghiệp, thủy điện, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và ngành ngân hàng đang tập trung nhiều giải pháp để tập trung vốn phát triển mạnh lĩnh vực này.

Tây Nguyên mời gọi đầu tư

Được coi là thủ phủ của cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… nhưng đầu tư vào Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn hạn chế. Song cũng vì thế mà tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Tây Nguyên vẫn còn rất lớn, nhất là trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, thủy điện… 

Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại Tây Nguyên được ưu tiên vay vốn
Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại Tây Nguyên được ưu tiên vay vốn

 

Những năm gần đây, đầu tư nông nghiệp đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Nhiều mô hình mới đã xuất hiện tại Tây Nguyên và mang lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, trồng rau công nghệ cao, nuôi cá nước lạnh… đã cho thấy sự hấp dẫn của việc đầu tư vào khu vực này.

Để khai thác tiềm năng này, những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vào các năm 2009 và 2013. Diễn đàn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên năm nay, số DN đăng ký tham dự tăng mạnh so với trước.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II (năm 2013), UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD. Các ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Nguyên như : cho vay chăm sóc cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thuỷ điện... với tổng số 28 dự án và số tiền cam kết đầu tư lên tới 23.899 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã ký Biên bản ghi nhớ về việc chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm tại vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại và các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tổng số tiền 248,39 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho hộ nghèo và xây dựng trường học ở vùng sâu vùng xa.

Cho đến nay, trong các dự án đã ký kết, có dự án đang ở giai đoạn đầu tư dở dang, có dự án bị thu hồi do yêu cầu quỹ đất quá lớn, các địa phương không bố trí được. Tuy nhiên, có một thực tế là ngoài các dự án trên, hai năm qua, có thêm hàng loạt DN mới cũng bày tỏ ý định đầu tư vào Tây Nguyên như Tập đoàn TH muốn thành lập trang trại nuôi bò sữa, Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng TMCP LienVietPostBank muốn khởi động “đại dự án” trồng 200.000 ha mắc ca…

Tập trung cho vay phát triển nông nghiệp

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 31/3/2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427  tỷ đồng, tăng 4,78% so với 31/12/2014, cao hơn bình quân của cả nước và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Đặc biệt, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên chiếm tỷ trọng lên tới gần 48% tổng dư nợ toàn khu vực. Riêng dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên lên tới 32.526 tỷ đồng, chiếm 78,58% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc.

Hiện tại, ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh chương trình cho vay tái canh cây cà phê. Đồng thời, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ (đã phê duyệt được 1 dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty Trường Hoàng với số vốn 80 tỷ đồng).

Được biết, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên năm 2013, có 5 ngân hàng đã ký kết 28 hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các DN đầu tư vào cà phê, cao su, thủy điện tại Tây Nguyên và ký 2 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư vốn với UBND tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng với số tiền lên tới 23.889 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, các ngân hàng đã giải ngân cho vay 17 dự án với số tiền là 3.620 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 1.961 tỷ đồng. Năm nay, các ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành với các DN đầu tư vào Tây Nguyên, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh.

Theo NHNN, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: cà phê, chè, cao su...  Đồng thời, đẩy mạnh cho vay tái canh cây cà phê, cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN...

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ tập trung vốn tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong khu vực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên.

Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án vào Tây Nguyên
Tại cuộc họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vào Tây Nguyên chiều nay (14/5), ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư