Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Đột phá bằng cải cách thể chế
Hà Nguyễn - 05/12/2014 09:44
 
Trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và trở thành nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá” trong tái cơ cấu kinh tế.    
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế tư nhân - thịnh vượng cho kinh tế Việt Nam
Cải cách thể chế tạo động lực mới cho nền kinh tế
Khai mạc Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014
Thủ tướng: "Chúng tôi có niềm tin ổn định kinh tế"

Những nỗ lực ban đầu

Một sự phấn khởi nhìn thấy rõ của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) khi thông tin Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Với việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân và áp dụng cách tiếp cận mới, chuyển từ phương pháp “chọn cho” sang “chọn bỏ” về các lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh, Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi chính là bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho công cuộc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam.

   
  Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là khâu đột phá, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh  

“Hai luật này đã thực hiện một cách quyết liệt tư tưởng đổi mới của Hiến pháp cũng như tư tưởng đổi mới của cải cách thể chế kinh tế. Nó chính là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định.

Nhưng không chỉ sửa đổi hai luật này, kể từ sau khi Việt Nam khởi xướng cải cách thể chế kinh tế và đặc biệt sau Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về đẩy mạnh cải cách thể chế, ngoài Hiến pháp bổ sung, sửa đổi, thì hàng chục luật quan trọng tạo khung khổ pháp lý kinh doanh đã được thông qua hoặc đang trong quá trình sửa đổi, nhằm củng cố thêm các nền tảng của kinh tế thị trường, các định chế thị trường, xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước và mối quan hệ với thị trường. Vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển đã được khẳng định rõ ràng hơn.

Theo Dự thảo báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014), thông qua việc sửa đổi các luật này, hàng loạt thay đổi tích cực về thể chế, như xác định rõ danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; tiếp tục đơn giản hóa và giảm rào cản gia nhập thị trường; thiết lập chế độ “DN được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề luật không cấm”, tạo điều kiện cho DN tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển... đã được thiết lập.

Các cải cách quan trọng về thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành, như đất đai, đầu tư xây dựng, thuế, hải quan... cũng đã được ghi nhận. Và một trong những cải cách mạnh mẽ nhất, đó là đã giảm số giờ kê khai nộp bảo hiểm xuống còn 108 giờ (giảm 227 giờ). Thời gian tiếp cận điện đã giảm xuống còn 18 ngày làm việc, rút ngắn 42 ngày so với các quy định hiện hành. Thủ tục xuất nhập khẩu cũng được đơn giản hóa một bước từ ngày 1/10/2014...

“Tôi thực sự vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ cách đây chưa lâu đã yêu cầu thủ tục thuế phải rút ngắn và làm theo tiêu chuẩn của OECD, còn thủ tục hải quan phải theo chuẩn ASEAN. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải lấy chuẩn quốc tế để áp cho mình, cách tiếp cận như vậy là rất mới và hoàn toàn đúng đắn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận.

Cùng với cải cách hành chính theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường nhằm giảm chi phí cho DN, các hoạt động nhằm cải cách thể chế thời gian qua còn góp phần thắt chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư công; cũng như tăng kỷ luật thị trường đối với DNNN, nâng cao năng lực quản trị và cải cách DNNN.

“Chính phủ đã xác định 4 nội dung cơ bản, gồm áp đặt ngân sách cứng và kỷ luật thị trường đối với DNNN, đổi mới và áp dụng quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt, cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, và tái cơ cấu toàn diện từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, đây cũng là một trong những tiến bộ quan trọng của cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam.

Đột phá chiến lược

Cải cách thể chế kinh tế đã được xác định là một khâu đột phá chiến lược. Những nỗ lực ban đầu cũng đã được ghi nhận. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, thì việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam mới chỉ đặt được những viên gạch đầu tiên và vẫn còn quá nhiều thách thức cho quá trình này.

Chẳng hạn, luật pháp chưa ổn định, thiếu minh bạch, khó tiên liệu; pháp luật về kinh doanh có điều kiện phức tạp, chưa thân thiện thị trường và kinh doanh, làm tăng chi phí, tạo rào cản gia nhập thị trường, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh; tái cơ cấu DNNN còn chậm, kết quả đạt thấp so với kế hoạch...

Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, bởi chỉ cải cách thể chế thì mới tạo được những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Sau 30 năm Đổi mới, những động lực cho tăng trưởng được tạo ra bởi các cải cách trong giai đoạn trước đã và đang yếu dần, trong đó nhiều rào cản thể chế đã và đang là những cản trở.

“Chính vì thế, trong những năm tiếp theo, cụ thể là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo đó, các hoạt động cải cách thể chế trong giai đoạn này và những năm tiếp theo sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, xây dựng các định chế thị trường, thực hiện các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận.

7 giải pháp cụ thể cũng đã được đề xuất, bao gồm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, hiện thực hóa những thay đổi của Hiến pháp 2013 thông qua việc xem xét, sửa đổi một loạt luật quan trọng đối với hoàn thiện và phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Việc thực hiện có hiệu quả các luật về kinh doanh, đầu tư, DN vừa mới ban hành, nhất là các luật tạo ra những thay đổi, làm cho thị trường vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, khắc phục các bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và méo mó của thị trường, cũng đã được khẳng định...

 “Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá, tạo mọi thuận lợi cho DN, nhằm nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư