Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Dự án BOT cầu Bình Lợi “vỡ mộng” hoàn thành
Gia Huy - 18/10/2018 08:59
 
Dự kiến khánh thành từ tháng 6/2016, rồi lại dời ngày khánh thành vào ngày 31/11/2018, nhưng nhà đầu tư Dự án BOT cầu Bình Lợi lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 28/2/2019.
TIN LIÊN QUAN

3 năm vẫn không xong đền bù giải tỏa

Tháng 3/2015, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) công bố danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện Dự án xây mới cầu Bình Lợi và đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương). Theo đó, liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị xanh - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam (liên doanh GUD-STD) là nhà đầu tư dự án này. 

Thực tế công trường Dự án BOT cầu Bình Lợi. Ảnh: G.H
Thực tế công trường Dự án BOT cầu Bình Lợi. Ảnh: G.H

Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.302 tỷ đồng, trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu từ 1,5 m lên 7 m. Cầu đường sắt Bình Lợi mới có đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 1,3 km, nằm cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu.

Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, 1 tháng sau, liên doanh nhà thầu này tổ chức động thổ khởi công dự án. Người dân phải hàng ngày qua lại cây cầu này rất đỗi vui mừng, nhà tàu có lẽ còn vui hơn khi hàng ngày không phải nín thở để qua lại cây cầu cũ kỹ này.

Tuy nhiên, dự án triển khai ì ạch, đến nay chủ đầu tư chỉ mới nhồi cọc móng và đền bù giải tỏa hai bên đầu cầu dự án là quận Thủ Đức và Bình Thạnh. 

Ông Đinh Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết, hiện Dự án vẫn đang vướng phần giải phóng mặt bằng. Cụ thể, phía quận Thủ Đức tại nút rẽ vào Xí nghiệp Cao su Bình Lợi chưa được giải phóng mặt bằng, do bổ sung nút giao đáp ứng cho xe container ra vào xí nghiệp. Phía quận Bình Thạnh thì vẫn vướng đường cáp viễn thông băng ngang đường sắt và đường ống nước dân sinh chưa giải phóng được.

Riêng tiến độ thực hiện dự án, ông Tiến cho biết, Dự án có 18 gói thầu tư vấn và thi công, hiện 2 gói thầu số 7 và 8 chưa thi công…

Về vốn thực hiện, chủ đầu tư dự án cho biết, vốn chủ sở hữu là 172 tỷ đồng, đã thực hiện 122,5 tỷ đồng. Vốn tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi 300 tỷ đồng, đã thực hiện 144,7 tỷ đồng. Vốn giải phóng mặt bằng TP.HCM đã tạm ứng cho 2 quận là Thủ Đức và Bình Thạnh là 95 tỷ đồng.

Lại xin lùi tiến độ

Khảo sát cụ thể dự án trong ngày 10/10, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận các nhà thầu thi công đang tập trung thiết bị để thi công trụ, mố cầu. Nhà thầu đang thi công đóng hai cọc của trụ P13, thân bệ trụ và mố A2.

Ở hai phía đầu bờ, nhà thầu cũng tập trung phương tiện để thi công tường chắn, đường gom, nền đường. Hạng mục đường sắt tạm đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Riêng hạng mục tường chắn, phía bờ Thủ Đức đã ép được 245/360 cọc, hoàn thành 8/30 bê tông thành tường chắn. Phía bờ Bình Thạnh mới chỉ hoàn thành ép cọc thử và bắt đầu triển khai thi công ép cọc đại trà. 

Cầu đường sắt Bình Lợi nối ga Trảng Bom - Hòa Hưng hướng vào ga Sài Gòn đã có tuổi đời 116 năm. Sau hơn 1 thế kỷ khai thác, cây cầu già nua này đã xuống cấp nghiêm trọng. Xây lại cầu ngoài việc đảm bảo an toàn giao thông, còn nhằm mục tiêu xóa nút thắt cổ chai trên tuyến giao thông đường thủy nối TP.HCM với Bình Dương. 

Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án là Ban quản lý dự án 7 nhận định, việc thi công cọc ép và tường chắn của nhà thầu rất chậm. Hiện mới chỉ có 2 dàn máy ép cọc, 2 mũi thi công tường chắn. Nếu muốn hoàn thành phần cầu trước ngày 28/2/2019, nhà thầu phải tăng cường thêm 3 dàn máy ép cọc và 5 mũi thi công tường chắn mới đạt tiến độ.

Ban quản lý dự án 7 cũng đánh giá năng lực thi công của nhà thầu Nam Tân hiện rất yếu, nếu không bổ sung thêm các mũi thi công thì sẽ tiếp tục “lụt” tiến độ. Ban quản lý dự án 7 đã yêu cầu doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng thêm các mũi thi công, thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần. Nếu trong một tuần không có sự thay đổi, phải có phương án cắt khối lượng của nhà thầu Nam Tân, bổ sung nhà thầu khác để đẩy kịp tiến độ. 

Đối với gói thầu thi công dầm dàn thép (nhịp cầu) đã được lắp ráp thành hình hài và cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Gói thầu lắp ráp nhịp cầu Bình Lợi thuộc gói thầu số 4 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 thi công trong nhà xưởng tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). 

Tiến độ thi công “rùa” nên nhà đầu tư dự án BOT cầu Bình Lợi lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 28/2/2019. Không biết đây đã phải là lần cuối cùng xin lùi tiến độ của dự án này hay không.

Được biết, trong buổi kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án BOT cầu Bình Lợi mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông rà soát kỹ gói thầu nào chậm do giải phóng mặt bằng, gói thầu nào chậm do lỗi nhà thầu để có cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm. Đối với gói thầu số 10 (cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn), thời gian tới, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phân luồng giao thông thủy, tìm bãi đổ thải bùn nạo vét để sớm triển khai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư