Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án BOT ngành điện còn nhiều trắc trở
Nguyên Đức - 05/08/2013 13:42
 
Thêm một dự án BOT ngành điện vừa được trao cho nhà đầu tư nước ngoài - Toyo Ink Group Berhad (Malaysia). Kỳ vọng về việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai dự án được đặt ra, nhưng điều đó là không dễ dàng.
TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) và Tổng cục Năng lượng, vào cuối tuần trước, đã ký biên bản phát triển Dự án BOT Nhiệt điện sông Hậu 2 (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Dự án này có công suất dự kiến 2.000 MW, bao gồm hai tổ máy, với tổng vốn đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD.

Theo kế hoạch, tổ máy thứ nhất của Nhiệt điện sông Hậu 2 sẽ được vận hành vào quý IV/2021 và toàn bộ Nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý II/2022.

Điều này có nghĩa rằng, Toyo Ink sẽ có khoảng 8 năm để vừa chuẩn bị, vừa triển khai Dự án.

Tuy nhiên, theo ông Steven K.C.Song, Tổng giám đốc Toyo Ink, Toyo sẽ nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án sớm hơn dự kiến, đúng như mong muốn của ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Với một dự án BOT ngành điện, lâu nay, những khó khăn luôn được nhắc đến, chỉ trong quá trình chuẩn bị dự án, đó là đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, cũng như việc thu xếp vốn với các bên cho vay…

Trong đàm phán hợp đồng BOT, một vướng mắc khá cơ bản đó là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ. Theo quy định tại Văn bản 1604/TTg-KTN, ngày 12/9/2011 về một số chính sách đối với việc xây dựng nhà máy điện theo hình thức BOT, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho chuyển đổi thành USD đối với 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam, sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, nhà đầu tư của các dự án BOT điện đang đàm phán hầu như đều yêu cầu được bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ 100%. Lý lẽ được các nhà đầu tư đưa ra là, họ vay tiền nước ngoài để làm nhà máy điện ở Việt Nam, nếu bán điện thu tiền đồng, mà không chắc chắn chuyển hết được ra ngoại tệ, để có tiền trả bên cho vay, thì khó mà vay được vốn.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đề xuất việc chuyển đổi ngoại tệ đối với 100% doanh thu, nhưng nếu Chính phủ cương quyết đổi với tỷ lệ 30%, chúng tôi sẽ phải chấp nhận”, ông Nguyễn Hưng Việt, Trưởng văn phòng đại diện Toyo tại Việt Nam nói và bày tỏ hy vọng rằng, Tập đoàn có thể bắt đầu đàm phán hợp đồng BOT từ năm sau, để sớm khởi công Dự án trong vòng 2 - 3 năm tới.

Hiện tại, theo tin từ ông Steven, Toyo đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu với các nhà cung cấp than từ Indonesia và Malaysia, cũng như cũng đã có được các cam kết đầu tiên đối với việc thu xếp vốn cho Dự án.

Cứ tạm coi rằng, mọi việc đang thuận lợi với Toyo và Dự án BOT Nhiệt điện sông Hậu 2, song hành trình đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, cũng như quá trình triển khai Dự án là không dễ dàng, ít nhất là nhìn vào một số dự án BOT điện đã và đang được đàm phán, thậm chí là đang triển khai.

Chẳng hạn, Dự án BOT Nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa). Dự án này cũng đã được Tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp - xây dựng Hà Nội đề xuất từ năm 2006, với công suất 2.640 MW, trên diện tích hơn 350 ha, song đã 7 năm trôi qua, hợp đồng BOT vẫn chưa được ký.

Theo kế hoạch được công bố gần đây nhất, Sumitomo vẫn đang gấp rút triển khai đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, dự kiến quý I/2014 sẽ ký kết hợp đồng BOT. Các kế hoạch khác, bao gồm quý II/2014, hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tháng 7/2014, tiến hành thành lập công ty; tháng 7/2015, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và tháng 8/2015, sẽ khởi công Dự án. Dự kiến, tháng 10/2019, Nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.

Cả lãnh đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, khi nói về các dự án BOT điện này đều khẳng định, sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chuẩn bị và triển khai dự án. Các vấn đề về đất đai đều được cam kết ở mức thuận lợi cao nhất.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có đất, thậm chí đã khởi công hạ tầng như Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, thì trắc trở cũng vẫn còn. Khó khăn đối với Jaks Resources Berhad (Malaysia), chủ đầu tư của dự án điện 2,25 tỷ USD này, là những vấn đề liên quan tới tài chính, tới việc tìm nhà đầu tư thay thế Island Circle Investment Holding Ltd của Malaysia và Meiya Power Ltd của Trung Quốc trong liên doanh.

Hiện tại, với các dự án BOT điện đang triển khai, kỳ vọng đang được đặt ra với Dự án BOT Nhiệt điện Mông Dương 2, 1.240 MW, của AES (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc) và CIC (Trung Quốc), đang được triển khai đúng tiến độ. Và cũng đang trông chờ động thái tiếp theo của Tata Power (Ấn Độ). Nhà đầu tư này đã được Chính phủ Việt Nam cho phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng.

Thông tin mới nhất, Tata Power đang đàm phán việc cung cấp than cho Dự án với các doanh nghiệp Australia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư