Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án điện khí Bạc Liêu: Đề xuất về tiến độ vận hành từ Bộ Công thương
Thanh Hương - 03/12/2019 08:16
 
Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW vào Quy hoạch Điện với yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết giá bán điện 7 UScents/kWh cho toàn bộ vòng đời dự án, vận hành trong giai đoạn 2024 - 2027.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Giá bán điện hấp dẫn

Sau khi Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu trở thành tâm điểm được quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn các trưởng ngành tại Kỳ họp thứ 8, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án này vào Quy hoạch Điện với toàn bộ công suất 3.200 MW (4x750 MW + 200 MW), các tổ máy sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2024 - 2027, giá bán điện là 7 UScent/kWh cho toàn bộ vòng đời Dự án như cam kết của nhà đầu tư.

Trước đó, trong Văn bản số 1480/BCT-ĐL  (tháng 3/2019) và số 8224/BCT-ĐL (tháng 10/2019), Bộ Công thương đã kiến nghị bổ sung quy hoạch cho cả cụm công suất 3.200 MW, nhưng phân chia theo các giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn I có quy mô 800 MW, vận hành năm 2024; các giai đoạn sau vận hành sau năm 2025 và sẽ được chuẩn xác trong Quy hoạch Điện VIII do Bộ Công thương đang triển khai lập.

So với đề nghị của UBND tỉnh Bạc Liêu về tiến độ vận hành Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (từ năm 2023 - 2026), đề xuất của Bộ Công thương mang tính thận trọng hơn.

Điểm được quan tâm đặc biệt của dự án này chính là đề xuất giá bán điện 7 UScent/kWh từ phía nhà đầu tư - Công ty Delta Offshore Enegry PTE Ltd (DOE). Trong văn bản gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vào tháng 8/2019 (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương), DOE khẳng định cam kết giá điện của Dự án khoảng 7 UScent/kWh.

Để đạt được mức giá này, theo DOE, là nhờ sáng kiến độc đáo đưa ra giải pháp tích hợp tất cả trong một dự án, từ dây chuyền công nghệ về cung ứng, bên nhập, lưu kho khí LNG, tái hóa khí và đường ống dẫn khí, đến nhà máy phát điện, với sự tham gia trực tiếp của các đối tác chiến lược cam kết trong tổ hợp nhà đầu tư, là những hãng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tương ứng của mỗi bên.

Đề xuất giá bán điện của Dự án (7 UScent/kWh) thấp hơn so với giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống điện cũng được Bộ Công thương đánh giá là “có lợi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tới”.

Vẫn cần thận trọng

Mặc dù đề nghị bổ sung quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu với toàn bộ công suất 3.200 MW, thời gian vận hành từ năm 2024 - 2027, nhưng Bộ Công thương cũng kiến nghị thêm một số vấn đề liên quan.

Đó là, sau khi Dự án được bổ sung quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo nhà đầu tư đề xuất làm rõ ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến Dự án. Đặc biệt, trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư của Dự án, nếu giá điện nhà đầu tư đề xuất tăng trên 7 UScent/kWh cho cả đời dự án, cần xem xét lại quy mô và thời điểm xuất hiện cũng như phân kỳ đầu tư của Dự án, để tránh làm mất cơ hội đầu tư của các dự án tương tự nhưng hiệu quả hơn về mặt kinh tế - xã hội.

Được biết, trong quá trình xem xét đề nghị của DOE và UBND tỉnh Bạc Liêu về dự án này, Bộ Công thương đã yêu cầu Viện Năng lượng tham gia tính toán cân đối hệ thống điện. Kết quả cho thấy, khu vực đồng bằng Tây Nam bộ là nơi tập trung nhiều nguồn nhiệt điện lớn, có nhiều tiềm năng về điện gió, nên khả năng giải tỏa công suất điện bị hạn chế. Theo tính toán sơ bộ, sẽ cần xây dựng khoảng 355 km đường dây 500 kV để giải tỏa công suất với ước tính tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu USD.

“Điều kiện địa lý của dự án khá bất lợi, cảng nhập LNG cách đất liền 35 km, chưa đánh giá chi tiết về luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, vị trí xây nhà máy điện trên đất liền có nền đất yếu. Thêm vào đó, khối lượng đường dây cần xây dựng để giải toả công suất khá lớn, sẽ làm tăng chi phí đầu tư, dẫn tới rất khó để đảm bảo giá thành sản xuất điện đạt 7 UScent/kWh như nhà đầu tư đề xuất”, văn bản của Bộ Công thương nêu rõ.

Chưa kể, nếu tính toán đúng theo Thông tư số 56/2014/TT-BCT, trong trường hợp giá khí bán cho Dự án là 8,37 USD/triệu BTU, số giờ vận hành tương đương 6.000 giờ/năm, thì giá bán điện của Dự án sẽ phải là 8,39 UScent/kWh, chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ.

Theo hồ sơ do UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp, Công ty DOE đóng vai trò là thành viên đứng đầu phát triển Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu của liên doanh gồm các đối tác chiến lược đã cam kết là Tập đoàn GE (Mỹ) và DNB Bank ASA (Den Norsk Bank). Hiện các đối tác này có thư bày tỏ quan tâm tham gia đầu tư Dự án.

Với quy mô vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu đang đưa ra phương án vay 85% vốn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư