Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo: Cấn cá phương án đầu tư
Anh Minh - 11/04/2024 08:22
 
Có khá nhiều nội dung quan trọng cần được UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ liên quan đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Làm rõ quy mô đầu tư

Sự cẩn trọng là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 2305/BKHĐT-PTHTĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến về các đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị liên quan phương án triển khai Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình số 18/TTr-UBND về việc xin áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ ngân sách tham gia cho Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Tại tờ trình này, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất triển khai Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo với chiều dài 56 km; điểm đầu tại TP. Đông Hà, điểm cuối tại Cửa khẩu Lao Bảo; được đầu tư luôn theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đây cũng là nội dung đầu tiên trong đề xuất mới nhất về việc triển khai Dự án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần phải minh định, làm rõ.

Theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bao (CT.19) có điểm đầu tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối tại Cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), quy mô 4 làn xe, chiều dài 70 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bao (CT.19) có điểm đầu tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối tại Cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), quy mô 4 làn xe, chiều dài 70 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sang khu vực huyện Triệu Phong, dẫn đến chiều dài tuyến còn 59,5 km.

“UBND tỉnh Quảng Trị rà soát, báo cáo Thủ tướng về sự chênh lệch này trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Công văn số 2305 do ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học, luận cứ để chứng minh sự cần thiết đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn thiện với chiều rộng nền đường 24,75 m, đồng thời làm rõ lợi thế của phương thức đầu tư PPP so với các hình thức đầu tư khác.

Ẩn số nguồn vốn ngân sách

Tại Tờ trình số 18/TTr-UBND, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tới 70% tổng mức đầu tư.

Đây chính là cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.

Trong trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận đề xuất nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ tăng lên tới 9.608 tỷ đồng (chiếm 70%); vốn nhà đầu tư huy động (chủ sở hữu, vốn vay và vốn khác) là 4.581 tỷ đồng (chiếm 30%). “Phương án này đảm bảo tính khả thi tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn cho Dự án xuống còn 28,7 năm, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước”, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tính toán.

Đối với đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoản 2, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) quy định: “Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư”.

Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi Dự án, khi áp dụng quy định này, UBND tỉnh Quảng Trị cần làm rõ các khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, dẫn đến phải có vốn nhà nước tham gia trên 70% tổng mức đầu tư để đảm bảo thời gian hoàn vốn Dự án khoảng 28,7 năm.

Trường hợp không thể xây dựng phương án đầu tư theo quy định hiện hành, UBND tỉnh Quảng Trị cân nhắc, tính toán chi tiết về phương án đầu tư, giải trình cụ thể đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền.

Về việc hỗ trợ, bố trí 9.608 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương từ Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho phần vốn nhà nước tham gia Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tại, Kế hoạch Tài chính - Ngân sách 5 năm quốc gia, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 chưa được xây dựng, nên chưa có cơ sở để xác định khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026-2030.

“UBND tỉnh Quảng Trị cần căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho giai đoạn 2026-2030 để rà soát, đề xuất bố trí vốn cho Dự án”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị có chiều dài 56 km, quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư (chưa bao gồm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư