Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Dự án thủy điện gần 716 tỷ đồng ở Kon Tum; hợp long cầu Vĩnh Tuy 2
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 04/06/2023 09:31
 
Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện gần 716 tỷ đồng ở Kon Tum; Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành khối hợp long cuối cùng, chuẩn bị thông xe vào tháng 9/2023…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Nghệ An: Dự án KCN Hoàng Mai 2 sắp được cấp chủ trương đầu tư

Dự án KCN Hoàng Mai 2 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư cuối tháng 6/2023 

Thông tin này được công bố tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung diễn ra sáng 2/6 với Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 và Hoàng Mai 2.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Nghệ An đang hết sức trì trệ. (Ảnh minh hoạ; Nguồn: Báo Nghệ An).
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Nghệ An đang hết sức trì trệ. (Ảnh minh hoạ; Nguồn: Báo Nghệ An).

Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, nằm trên địa phận thị xã Hoàng Mai, có diện tích 264,77 ha do Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng. Dự án KCN Hoàng Mai 2 (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có diện tích 343,69 ha, mục tiêu xây dựng, phát triển hạ tầng KCN để thu hút đầu tư.

Theo báo cáo, hiện nay, dự án KCN Hoàng Mai 1 đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 2.439.000 m2/tổng diện tích 2.647.000 m2, đạt tỷ lệ 92,12%; hiện còn 208.700 m2 chưa GPMB.

Về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, đã san lấp được 2.300.100 m2, đạt 90% diện tích mặt bằng. Lũy kế tổng vốn đầu tư thực hiện đến nay khoảng 582 tỷ đồng. Đến nay, có 07 nhà đầu tư thứ cấp, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 270,2 triệu USD (tương đương 6.215 tỷ đồng); tỷ lệ lấp đầy là 146,62 ha/174.02 ha tổng diện tích đất xây dựng nhà máy, chiếm 84,3%. Trong đó, có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động; có 2 nhà máy đang trong quá trình xây dựng; có 3 nhà máy đang làm thủ tục.

Về tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 2, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định hồ sơ dự án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự kiến cuối tháng 6/2023 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đã thu hút được một số dự án vào đầu tư.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh tính toán để xây dựng các trạm biến áp đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp.

"Hiện trong phạm vi bán kính 3km của Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 có 3 mỏ đá đang hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy, đề nghị tỉnh có chỉ đạo các mỏ đá để đảm bảo môi trường hoạt động của các nhà máy. Để đáp ứng nhu cầu lâu dài của các nhà đầu tư tại thị xã Hoàng Mai, đề nghị tỉnh cho phép công ty đề xuất các dự án phụ trợ cho khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ GPMB…", Công ty Hoàng Thịnh Đạt kiến nghị thêm.

Trên cơ sở kiến nghị của Công ty Hoàng Thịnh Đạt, ông Nguyễn Đức Trung đánh giá cao sự cố gắng của Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt trong việc xây dựng và thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Khu công nghiệp Hoàng Mai 2; khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của tỉnh khi chọn Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư 2 dự án khu công nghiệp này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung giao Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Tổng Công ty điện lực Miền Bắc, sớm giải quyết tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất cho các nhà máy trong khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2; đẩy nhanh  tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án… Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Khu công nghiệp Hoàng Mai 2.

Được biết, Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt thành lập vào tháng 3/2004, vốn điều lệ 638 tỷ đồng, đóng trụ sở tại Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh là đầu tư các dự án khu công nghiệp.

Dự án đáng chú ý là Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Thái Nguyên), tổng quy mô hơn 8.000ha, trong đó bao gồm KCN Yên Bình (diện tích 396,43 ha, tổng mức đầu tư 3.820 tỷ đồng) là một trong những dự án lớn mà Hoàng Thịnh Đạt đầu tư.

Ở Quảng Ngãi, Hoàng Thịnh Đạt là chủ đầu tư dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1). Theo quy hoạch, dự án có diện tích 496 ha, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm giai đoạn 1A có diện tích hơn 151ha và giai đoạn 1B có diện tích hơn 167ha, tổng mức đầu tư 2.025 tỷ đồng; giai đoạn 2 có diện tích gần 177 ha....

Quảng Bình kêu gọi đầu tư dự án khu đô thị Bảo Ninh, tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án khu đô thị ven biển Bảo Ninh 8, thuộc xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới có tổng mức đầu tư hơn 1.996 tỷ đồng.

Bán đảo Bảo Ninh thuộc Tp Đồng Hới, có tổng diện tích 1.600 ha, hiện đang là điểm đến đầu tư của nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Bán đảo Bảo Ninh thuộc Tp Đồng Hới, có tổng diện tích 1.600 ha, hiện đang là điểm đến đầu tư của nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.996 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 66 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất khoảng 203.627m2. Quy mô đầu tư của dự án bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật và phần công trình nhà ở với khoảng 230 căn chung cư nhà ở xã hội, khoảng 97 căn nhà ở thương mại thấp tầng và 343 lô đất chuyển nhượng.

Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 là 10 giờ 30 ngày 15/7/2023. Tiến độ thực hiện dự án không quá 6 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028.

Hiện nay tại Khu ven biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đã có các dự án khu đô thị Bảo Ninh 1, Bảo Ninh 2, Bảo Ninh 3 đang được triển khai hoặc sắp triển khai xây dựng. Riêng các khu đô thị Bảo Ninh 4, Bảo Ninh 5, Bảo Ninh 6, Bảo Ninh 7, Bảo Ninh 8 (tạm thời được gọi tên theo vị trí của các đồ án quy hoạch liên quan) đang kêu gọi các nhà đầu tư.

Khu đô thị Bảo Ninh 1 có chủ đầu tư là Đất Xanh Miền Trung, với tổng diện tích 21,03 ha và vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2024. Đây sẽ là một trong những đô thị khép kín tại Quảng Bình bao gồm tổ hợp nhà phố hạng sang, biệt thự 5 sao quốc tế, trung tâm thương mại và hàng loạt không gian sinh hoạt cộng đồng.

Khu đô thị Bảo Ninh 2, tổng chi phí thực hiện 1.020 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 18,3 ha. Dự án này do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) đầu tư, có thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2023. Khu đô thị Bảo Ninh 2 được đánh giá có vị trí đẹp nhất tại thành phố Đồng Hới, là trung tâm của "thành phố ven biển" trong tương lai.

Khu đô thị Bảo Ninh 3 với tổng chi phí thực hiện 920 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 16,49 ha. Dự án sẽ do liên danh Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Vĩnh Phúc và Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2023.

Dự án khu đô thị Bảo Ninh 4 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 2.460 tỷ đồng, diện tích 415.224 m2. Quy mô xây dựng dự án hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình khác...

Về dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 này, vào đầu tháng 12/2022, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Cần Thơ (trụ sở đóng tại số 68 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã có văn bản đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Bình xin nghiên cứu đầu tư dự án.

Nói thêm về Bán đảo Bảo Ninh, nằm ở phía Đông sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới, có tổng diện tích là 1600 ha,trong đó khoảng 90ha được quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ thương mại và công trình công cộng. Với lợi thế một mặt giáp sông, một mặt giáp biển, dải đất vàng này được ví như bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bình Dương bắt đầu chi trả tiền bồi thường làm Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM 

Ngày 2/6, tỉnh Bình Dương bắt đầu chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.

Đợt chi trả đầu tiên có 53 hộ gia đình tại TP.Thủ Dầu Một được nhận tiền bồi thường với tổng số tiền 287,8 tỷ đồng. Trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một có một số hộ gia đình diện tích đất bị thu hồi lên đến hơn 3.000 m2, số tiền người dân được đền bù lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Người dân tại TP. Thủ Dầu Một ký nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành Đai 3, TP.HCM - Ảnh:binhduong.gov.vn
Người dân tại TP. Thủ Dầu Một ký nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành Đai 3, TP.HCM - Ảnh:binhduong.gov.vn

Sau TP.Thủ Dầu Một, thời gian tới TP.Dĩ An, TP.Thuận An cũng sẽ đồng loạt chi tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân để lấy mặt bằng xây dựng Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM.

Theo kết quả kiểm đếm, toàn tỉnh Bình Dương có 1.498 trường hợp thuộc diện thu hồi đất để thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Trong đó, TP.Thủ Dầu Một là 215 trường hợp (8 trường hợp tái định cư); TP.Dĩ An là 508 trường hợp (305 trường hợp tái định cư); TP.Thuận An có 775 trường hợp (205 trường hợp tái định cư).

Đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn đi qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 26 km. Điểm đầu từ nút giao Tân Vạn đến cầu Bình Gởi để kết nối với huyện Củ Chi, TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 13.528 tỷ đồng. 

Ông Võ Ngọc Sang. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, xác định đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án quan trọng có ý nghĩa kết nối vùng, thời gian qua các cơ quan của tỉnh đã đẩy nhanh công tác lập hồ sơ thu hồi đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong tháng 6/2023, TP.Dĩ An, TP. Thuận An sẽ đồng loạt chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 TP.HCM để có mặt bằng kịp khởi công dự án vào cuối tháng 6.

Như vậy, đến thời điểm này TP.HCM, Bình Dương, Long An đã tiến hành chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM. Các tỉnh này sẽ đồng loạt khởi công dự án vào cuối tháng 6/2023.

Riêng tỉnh Đồng Nai tiến độ hiện đang bị chậm, địa phương này dự kiến khởi công dự án vào tháng 7/2023.

Thành lập Hội đồng thẩm định dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 623/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư. 

Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thành viên của Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương: Giao thông vận tải, tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định liên ngành, Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109 km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tập đoàn COT (Singapore) chọn đầu tư vào Hưng Yên

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên vừa có buổi làm việc với Tập đoàn COT (Singapore).

Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn COT cho biết, sau một thời gian khảo sát, Tập đoàn đã chọn Hưng Yên là địa điểm đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, Tập đoàn COT sẽ thuê 6,6 ha đất tại khu công nghiệp (KCN) Thăng Long II để đầu tư xây dựng Dự án. Và theo chiến lược của mình, trong 5 - 8 năm tới, Tập đoàn COT sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD để phục vụ hoạt động sản xuất.

Tập đoàn sẽ đầu tư các trang thiết bị tân tiến nhất vào các dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, Tập đoàn mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục giao đất, thuê đất, cấp phép xây dựng…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Với kế hoạch đầu tư của Tập đoàn COT vào địa bàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hưng Yên sẽ đồng hành với Tập đoàn trong quá trình đầu tư.

Ông Nguyễn Hùng Nam đề nghị Chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II khẩn trương hoàn thành các thủ tục nộp tiền sử dụng đất, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Ngay sau khi chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích mở rộng tại KCN Thăng Long II.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề nghị Tập đoàn COT cần phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II và các sở, ngành hoàn thiện các thủ tục đầu tư; quá trình đầu tư phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa những nội dung về tiến độ mà Tập đoàn COT và chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II ký kết. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II sớm có đủ căn cứ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KCN.

Trước đó ngày 19/5, Tập đoàn COT cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về những chính sách ưu đãi của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, giá thuê đất, chất lượng hạ tầng khu công nghiệp, nguồn lao động… Theo kế hoạch, Tập đoàn COT sẽ triển khai dự án trong tháng 11/2023. Lĩnh vực sản xuất là thiết bị điện tử, quang điện và thực tế ảo.

KCN Thăng Long II có quy mô 525,7 ha với diện tích đất công nghiệp cho thuê là 401,42 ha. Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, tính đến ngày 15/5, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại KCN này là 268 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 66,8 %. Trong KCN có 104 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,274 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong KCN chủ yếu là các các nhà đầu tư  Nhật Bản, trong đó có mộ số Tập đoàn kinh tế lớn như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic,..

Đèo Cả trình danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Lâm Đồng đang xem xét danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc mà Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa trình. 

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Vĩnh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định để triển khai các công việc tiếp theo của Dự án này.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh căn cứ theo quy định hiện hành để xem xét nội dung đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 12/6/2023.

Cách đây vài ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc), Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (đại diện liên danh nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương) chủ động phối hợp với Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh liên hệ, thông báo đến các địa phương khi triển khai cắm mốc cọc móc tim tuyến, mốc cao độ, mốc đường chuyền, mốc giải phóng mặt bằng để phối hợp, thực hiện quản lý, bảo vệ trong quá trình triển khai 2 dự án cao tốc trên.

Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng với UBND huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, UBND TP. Bảo Lộc và đơn vị có liên quan tổ chức triển khai đồng loạt việc cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa (cắm mốc tạm) theo phương án thiết kế trong hồ sơ báo cáo đầu kỳ của Báo cáo nghiên cứu khả thi đang triển khai và bàn giao cho các địa phương, làm cơ sở để lập hồ sơ, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án. Kết quả thực hiện hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2023.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và triển khai một số hồ sơ, thủ tục có liên quan đến 2 dự án cao tốc này rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Dự kiến, Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ khởi công vào ngày 2/9/2023.

Hai dự án này được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì thế, việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2023.

Quảng Bình kêu gọi đầu tư dự án khu đô thị Bảo Ninh, tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng 

Dự án Khu đô thị ven biển Bảo Ninh với diện tích hơn 20 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đang được kêu gọi đầu tư tới 15/7.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án khu đô thị ven biển Bảo Ninh 8, thuộc xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới có tổng mức đầu tư hơn 1.996 tỷ đồng.

Dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.996 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 66 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất khoảng 203.627m2. Quy mô đầu tư của dự án bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật và phần công trình nhà ở với khoảng 230 căn chung cư nhà ở xã hội, khoảng 97 căn nhà ở thương mại thấp tầng và 343 lô đất chuyển nhượng.

Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 là 10 giờ 30 ngày 15/7/2023. Tiến độ thực hiện dự án không quá 6 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028.

Hiện nay tại Khu ven biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đã có các dự án khu đô thị Bảo Ninh 1, Bảo Ninh 2, Bảo Ninh 3 đang được triển khai hoặc sắp triển khai xây dựng. Riêng các khu đô thị Bảo Ninh 4, Bảo Ninh 5, Bảo Ninh 6, Bảo Ninh 7, Bảo Ninh 8 (tạm thời được gọi tên theo vị trí của các đồ án quy hoạch liên quan) đang kêu gọi các nhà đầu tư.

Khu đô thị Bảo Ninh 1 có chủ đầu tư là Đất Xanh Miền Trung, với tổng diện tích 21,03 ha và vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2024. Đây sẽ là một trong những đô thị khép kín tại Quảng Bình bao gồm tổ hợp nhà phố hạng sang, biệt thự 5 sao quốc tế, trung tâm thương mại và hàng loạt không gian sinh hoạt cộng đồng.

Khu đô thị Bảo Ninh 2, tổng chi phí thực hiện 1.020 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 18,3 ha. Dự án này do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) đầu tư, có thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2023. Khu đô thị Bảo Ninh 2 được đánh giá có vị trí đẹp nhất tại thành phố Đồng Hới, là trung tâm của "thành phố ven biển" trong tương lai.

Khu đô thị Bảo Ninh 3 với tổng chi phí thực hiện 920 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 16,49 ha. Dự án sẽ do liên danh Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Vĩnh Phúc và Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2023.

Dự án khu đô thị Bảo Ninh 4 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 2.460 tỷ đồng, diện tích 415.224 m2. Quy mô xây dựng dự án hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình khác...

Về dự án khu đô thị Bảo Ninh 8 này, vào đầu tháng 12/2022, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Cần Thơ (trụ sở đóng tại số 68 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã có văn bản đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Bình xin nghiên cứu đầu tư dự án.

Nói thêm về Bán đảo Bảo Ninh, nằm ở phía Đông sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới, có tổng diện tích là 1600 ha,trong đó khoảng 90ha được quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ thương mại và công trình công cộng. Với lợi thế một mặt giáp sông, một mặt giáp biển, dải đất vàng này được ví như bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nghệ An: “Điểm mặt” cơ quan, đơn vị chưa và chậm giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, Nghệ An được Trung ương giao kế hoạch đầu tư công là 9.033,5 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ về các đơn vị, địa phương trực thuộc và liên tục đốc thúc tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, đến nay, đã chuẩn bị bước qua tháng 6, tại một số đơn vị, sở, ban ngành vẫn trì trệ, thậm chí chưa thực hiện giải ngân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn hiện có 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm: Huyện Tương Dương; 7 sở, ban, ngành cấp tỉnh: Du lịch, y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. 16 đơn vị chủ đầu tư khác gồm: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Trường Trung cấp nghề kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Đô Lương 3, Trường THPT Thanh Chương 3, Công ty TNHH thủy lợi Tân Kỳ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Chi cục phát triển nông thôn.

Cùng với 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện vấn đề nói trên, Nghệ An hiện có 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 10/5/2023 ở dưới mức trung bình của tỉnh dưới 16,22%. Cụ thể, 14 huyện, thị xã: Thái Hòa (0,35%), Quỳnh Lưu (1,11%), Vinh (1,31%), Nghĩa Đàn (1,77%), Thanh Chương (6,66%), Hưng Nguyên (7,01%), Nghi Lộc (7,54%), Kỳ Sơn (7,61%), Yên Thành (7,81%), Hoàng Mai (9,03%), Con Cuông (10,32%), Anh Sơn (10,59%), Nam Đàn (11,62%), Quế Phong (12,43%).

Ở cấp sở, ngành có 4 đơn vị bao gồm: Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,17%), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4,6%), Kế hoạch và Đầu tư (13,65%), Lao động - Thương binh và Xã hội (15.92%).

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (1,49%), Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc (3,8%), Công ty TNHH thủy lợi Phủ Quỳ (12,14%) là 3 đơn vị chủ đầu tư cũng có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay, Nghệ An còn có 19 cơ quan, đơn vị giải ngân 4 tháng đầu năm không đạt cam kết như ban đầu gồm 10 huyện, thành, thị; 4 sở, ngành và 5 chủ đầu tư. Thị xã Thái Hòa, TP Vinh, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Yên Thành, Hoàng Mai, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong và các sở: Du lịch, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam là những huyện, thị, thành và sở, ban, ngành được UBND nhắc tên trong văn bản số  3763/UBND-KT được ban hành vào ngày 17/05/2023.

15 đơn vị chủ đầu tư khác: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Chi cục phát triển nông thôn,Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Quỳnh Lưu 3, Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Đô Lương 3, Trường THPT Thanh Chương 3… là những đơn vị không đăng ký giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2023.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp tục ban hành văn bản trực tiếp “chỉ mặt, điểm tên” các đơn vị chưa thực hiện, chậm triển khai vấn đề này và có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân.

Ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu như vậy tại văn bản số 3763/UBND-KT do ký ngày 17/5/2023 để chấn chỉnh tình trạng “bế tắc” trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Theo văn bản nói trên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án; trường hợp dự kiến không giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao, có văn bản đề xuất cắt giảm để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển; các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư phải quán triệt yêu cầu này, tuyệt đối không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được cũng được UBND tỉnh Nghệ An đốc thúc, yêu cầu thực hiện.

Trước đó, cũng trong một diễn biến liên quan tại Công văn số 2597/UBND-KT ngày 10/4/2023 do ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP. Hải Phòng và tỉnh Ninh Bình

Theo văn bản 3876/VPCP-CN ngày 30/5/2023, về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP. Hải Phòng và tỉnh Ninh Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương có liên quan căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (văn bản số 2295/TB-TTKQH ngày 16/5/2023) khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP. Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2023.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109 km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TP. Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Khánh Hòa xem xét hủy quy hoạch Dự án Nhà máy điện mặt trời Diên Sơn

Theo phản ánh của người dân xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, diện tích đất tại khu vực Trảng Găng của một số hộ gia đình thuộc quy hoạch Dự án điện năng lượng mặt trời nhưng đã lâu không triển khai.

“Nếu không triển khai dự án, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ quy hoạch để người dân có thể chủ động trong việc đầu tư, phát triển sản xuất”, người dân xã Diên Sơn đề nghị.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Dự án Nhà máy điện mặt trời Diên Sơn do Công ty TNHH Encom Nha Trang khảo sát, đề xuất thực hiện.

Dự án này có công suất 50 MW tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh với diện tích 60 ha. Hiện trạng khu đất nghiên cứu Dự án này đang trồng các loại cây mía, keo, mì và cây trồng khác. Do đất bạc màu nên cây trồng kém phát triển kém, hiệu quả kinh tế không cao.

UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Diên Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và đã được Bộ Công thương lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương thẩm định.

Tuy nhiên, Dự án không có điểm đấu nối và khó khăn trong công tác giải tỏa công suất và Bộ Công thương đã phản hồi về việc tạm dừng đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất hủy bỏ quy hoạch đất năng lượng tại xã Diên Sơn để người dân có thể chủ động trong việc đầu tư phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Kon Tum đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, Khu Công nghiệp Sao Mai đã thu hút 4 Dự án đầu tư hết diện tích đất sản xuất công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng là 41,7ha.

Hiện nay, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum đang phối hợp với UBND TP. Kon Tum tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại của Khu Công nghiệp Sao Mai.

Sau khi có quỹ đất sạch, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum sẽ tích cực thu hút các dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Sao Mai theo quy định hiện hành.

Đối với Cụm Tiểu thủ Công nghiệp Hòa Bình, để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch kịp thời, đúng quy định.

Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành có liên quan tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp, đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Ngày 2/8/2021, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình, TP. Kon Tum tại Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 2/8/2021 ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của UBND TP. Kon Tum, CCN-TTCN xã Hòa Bình đã được phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500), hiện nay cụm công nghiệp này có 4 công ty đang hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê khoảng 190.502,3m2; tỷ lệ lấp đầy khoảng 38%; tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong CCN là 57,9 tỷ đồng; số lao động hiện có khoảng hơn 100 lao động phổ thông; nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN năm 2022 khoảng 1,7 tỷ đồng.

Thời gian qua, sau khi giải tỏa các lò gạch thủ công, do kinh phí còn hạn chế, UBND TP. Kon Tum chưa bố trí kinh phí để san ủi mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, nên tỷ lệ lấp đầy tại cụm công nghiệp này chưa cao.

Bên cạnh đó, ngày 3/11/2022, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các huyện, thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quan tâm cân đối bố trí ngân sách, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của CCN.

Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với UBND TP. Kon Tum trong việc quản lý, đầu tư và phát triển CCN trên địa bàn; đề nghị UBND TP. Kon Tum ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.

Dự án xây dựng Trạm biến áp 110kV Xuân Thọ (Lâm Đồng) gặp khó về mặt bằng

Công ty Điện lực Lâm Đồng vừa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét và có ý kiến chỉ đạo Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên sớm phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan, sớm bàn giao mặt bằng cho Công ty Điện lực Lâm Đồng triển khai Dự án xây dựng Trạm biến áp (TBA) đường dây 110kV Xuân Thọ và đường dây 110kV đấu nối TBA 110kV Xuân Thọ.

Theo đó, Công ty Điện lực Lâm Đồng cho rằng, căn cứ biên bản kiểm tra hiện trường ngày 9/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND TP. Đà Lạt, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đều thống nhất kết quả kiểm tra và đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên sớm hoàn chỉnh các hồ sơ có liên quan gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thẩm định.

Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên không thống nhất và cũng không có ý kiến khác. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Dự án kể trên của Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Do Dự án phải thực hiện theo tiến độ cấp vốn của Tổng công ty Điện lực miền Nam, triển khai khởi công trong tháng 6/2023 nhằm đáp ứng văn bản số 2188/UBND-KH ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục, điều kiện để khởi công các công trình, dự án trọng điểm và các dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó có Dự án xây dựng Trạm biến áp (TBA) 110kV Xuân Thọ và đường dây 110kV đấu nối TBA 110kV Xuân Thọ.

Ngày 30/5/2023, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét nội dung đề nghị của Công ty Điện lực Lâm Đồng; tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý trước ngày 10/6/2023.

Hà Nội: Sẵn sàng khởi công Vành đai 4 trước ngày 30/6

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã tập trung triển khai công tác giair phóng mặt bằng đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Dự kiến khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ đạt 80% trước khi khởi công. 

Trong đó, hiện các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua đã phê duyệt phương án và thu hồi 537,270/798,043 ha, đạt 67,32%. Cụ thể huyện Sóc Sơn 46,00/48,23 ha; huyện Mê Linh 114,30/145,66 ha; huyện Đan Phượng 30,73/74,80 ha; huyện Hoài Đức 138,30/239,63 ha; quận Hà Đông 51,14/68,25 ha; huyện Thanh Oai 59,31/86,94 ha; huyện Thường Tín 97,49/134,54 ha.

Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn TP. Hà Nội là 4286,00 tỷ đồng. Cụ thể huyện Sóc Sơn 229,00 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569,0 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 1.436,1 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,15 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thường Tín 602,29 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 vị trí. Cụ thể là: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); tại vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL).

Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự kiến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng để khởi công dự án, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023. 

Về công tác thẩm định dự án thành phần 3, UBND TP. Hà Nội trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước 5/6/2023. Tới đây, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến trong tháng 6/2023 cũng sẽ bàn giao 80% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12.

Được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và các quận, huyện, đến nay toàn bộ 4 gói thầu xây lắp đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng và khởi công công trình trước ngày 30/6.

Đề nghị giao Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi làm chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 24B

Ngày 30/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét và giao cho Sở Giao thông - Vận tải, làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo đoạn quốc lộ 24B, từ Km23+300 - Km57+170.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi được Bộ Giao thông - Vận tải tín nhiệm giao làm chủ đầu tư một số đoạn, tuyến dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án; kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

UBND tỉnh Quảng Ngãi còn cho hay, dọc tuyến Quốc lộ 24B dân cư sinh sống rất đông đúc và lâu đời, vì vậy, việc tổ chức di chuyển, tái định cư là rất phức tạp và kéo dài, nên việc bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án tổ chức thi công đồng loạt là rất khó.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cùng với việc tuyến Quốc lộ 24B, đã được Bộ Giao thông - Vận tải ủy thác cho Sở Giao thông - Vận tải tỉnh quản lý, nên để tổ chức quản lý dự án được thuận lợi, chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ giữa bồi thường, giải phóng mặt bằng với thi công, đáp ứng được mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm, xem xét giao cho Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B (đoạn Km23+300 - Km57+170).

Nếu được Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý đề nghị trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ chỉ đạo Sở thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của dự án.

Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành khối hợp long cuối cùng, chuẩn bị thông xe vào tháng 9/2023

Cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội) được hợp long sáng 30/5, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ các kết cấu chính của cây cầu trị giá hơn 2.500 tỷ đồng bắc qua sông Hồng. 

 “Việc hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng đánh dấu một mốc sự kiện quan trọng của công trình, đó là cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sẽ được nối liền giữa hai phần dầm cầu đúc hẫng bờ phía quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, hoàn thành công tác thi công dầm chính vượt sông Hồng và hoàn chỉnh công tác thi công cầu toàn tuyến từ bờ hữu sông Hồng sang bờ tả sông Hồng. Đây là tiền đề quan trọng để Dự án bám sát mục tiêu thông xe vào đầu tháng 9/2023”, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.

Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được khởi công vào ngày 9/1/2021 với quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, tổng chiều dài khoảng 3.473m, mặt cắt ngang cầu rộng 19,25m. Cầu có 8 nhịp chính, kết cấu cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, các nhịp cầu được đúc hẫng cân bằng dài 955m, khẩu độ vượt nhịp lớn nhất 135m.

Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính là nhà thầu thi công Gói thầu XL1 có giá trị khoảng 1.154 tỷ đồng (gồm cả dự phòng), tiến độ hoàn thành trong 24 tháng. Đây là gói thầu có quy mô lớn và quan trọng nhất của dự án.

Ngoài gói thầu XL1, VINACONEX còn đảm nhiệm thi công tại gói thầu XL05: Thi công xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Long Biên với giá trúng thầu 100,688 tỷ đồng, thực hiện trong 17 tháng

Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu nhiều tác động tiêu cực khi đại dịch COVID-19 bùng phát; nguồn cung ứng nhiên vật liệu gặp nhiều khó khăn, bên cạnh giá vật liệu xây dựng có những biến động bất thường (điển hình như thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 40-50%) khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ cho dự án đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án…

Tuy nhiên, các đơn vị thi công nỗ lực quyết tâm, tìm ra những giải pháp hữu hiệu vượt qua các trở ngại để sau thời gian hơn 2 năm tổ chức thực hiện, đến nay công trình đã hoàn thành thi công các khối đúc cân bằng và khối đúc trên đà giáo của chuỗi 8 nhịp cầu liên tục và tổ chức hợp long nhịp cầu chính giữa sông.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX  cho biết, Liên danh VINACONEX – Trung Chính cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, với việc Dự án được thực hiện bởi 100% kỹ sư và công nhân người Việt Nam, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thi công mới để giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 đã chứng minh năng lực, chuyên môn vượt bậc của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án.

Sau khi hoàn tất khối hợp long cuối cùng, nhà thầu VINACONEX sẽ tiếp tục gờ bê tông lan can, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cảnh quan, cây xanh, thảm bê tông nhựa, sơn kẻ tổ chức giao thông để thông xe cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 trước ngày 2/9. Đồng thời, tổ chức lại giao thông, lắp đặt dải phân cách biên, sơn kẻ tổ chức giao thông cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 để đồng bộ toàn bộ dự án xong trước ngày 10/10/2023.

Dự án đầu tư, xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, ngân sách thành phố, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 tại TP. Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố.

Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 1 và 2 có tổng cộng có 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ô tô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Sau khi hoàn thiện cả 2 giai đoạn sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.

Quảng Ngãi chi 85 tỷ đồng đầu tư điện chiếu sáng trên quốc lộ 1

HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện chiếu sáng trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Hiện nay, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn từ Km 1027 (giáp tỉnh Quảng Nam) đến Km 1067+950 (phía Nam cầu Sông Vệ, huyện Mộ Đức) đã được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng.

Đối với đoạn tuyến tránh qua huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ dài 60 km và được đưa vào sử dụng qua 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại vào ban đêm của người dân và các phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Để góp phần đảm bảo an toàn giao thông thúc đẩy phát triển không gian đô thị trên địa bàn, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chủ trương đầu tư điện chiếu sáng trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Tuy nhiên, hiện nay do chưa đủ ngân sách thực hiện nên UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ trình HĐND thông qua dự án đầu tư 35,8 km, dự kiến từ phía Nam cầu sông Vệ (huyện Mộ Đức) đến thị xã Đức Phổ. Đoạn 24,2km còn lại sẽ đầu tư sau.

Đây là công trình dự án thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng, từ nguồn tăng thu ngân sách cấp tỉnh so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2022 và sẽ được thực hiện từ năm 2023-2024.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư điện chiếu sáng, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện gần 716 tỷ đồng ở Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Ngọc Linh với tổng vốn đầu tư gần 716 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Ngọc Linh.

Cụ thể, Dự án thủy điện Ngọc Linh do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Krin làm nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 716 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu gần 215 tỷ đồng, số còn lại là vốn vay.

Dự án thủy điện Ngọc Linh được thực hiện ở xã Ngọc Linh và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei.

Dự án có công suất thiết kế là 20 MW, điện lượng trung bình năm 64,15 triệu Kwh. Trong đó: công trình thủy điện Ngọc Linh 1 có công suất thiết kế 4 MW, điện lượng trung bình năm (Eo) 12,84 triệu Kwh; Công trình thủy điện Ngọc Linh 2 có Công suất thiết kế 7,8 MW, điện lượng trung bình năm (Eo) 25,01 triệu Kwh;  Công trình thủy điện Ngọc Linh 3 công suất thiết kế 8,2 MW, điện lượng trung bình năm (Eo) 26,3 triệu Kwh.

Dự án có diện tích mặt đất sử dụng khoảng 26,12 ha. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày được nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Dự án Thủy điện Ngọc Linh dự kiến đến cuối tháng 7/2027 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đã có địa phương xin trả lại vốn

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tính đến ngày 25/5/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết kế hoạch năm 2023 là gần 629.000 tỷ đồng, đạt 88,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, vẫn còn lại hơn 78.000 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ chi tiết, chiềm 11,1% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 36.577 tỷ đồng (của 27/51 bộ, cơ quan trung ương và 42/63 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là trên 41.688 tỷ đồng (của 16/63 địa phương).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của việc còn một số lượng không nhỏ vốn đầu tư chưa được phân bổ chi tiết chủ yếu là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác, như một số Dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư.

Đáng chú ý, đã có trường hợp địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết. Đó là tỉnh Quảng Ninh.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5/2023 là trên 157.095 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng (35,5%).

Cho đến nay, có 7 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; 44 bộ, cơ quan và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước. 

Liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 88.800 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng Chính sách xã hội đạt 18.021 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.724 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 4.302 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện); hỗ trợ 2% lãi suất đạt 327 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 57.067 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện) và hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.

Riêng về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng của Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trên 161.848 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 là 38.155 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 là 108.366 tỷ đồng.

Hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn 14.152 tỷ đồng chưa giao vốn kế hoạch. Trong số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Quốc hội cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn.

Đối với số vốn hơn 782 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với số vốn dự kiến bố trí 273 tỷ đồng. Số vốn hơn 509 tỷ đồng còn lại, kiến nghị không tiếp tục phân bổ.

Liên quan đến tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/5/2023, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đạt 23.115,824 tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi, cần được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành khối hợp long cuối cùng, chuẩn bị thông xe vào tháng 9/2023
Cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội) được hợp long sáng 30/5, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ các kết cấu chính của cây cầu trị giá hơn 2.500 tỷ đồng bắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư