Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Dư địa phát triển lớn cho thị trường tài chính số Việt Nam
- 21/04/2023 17:13
 
Ngày 21/4, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức Tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam” và ra mắt Đặc san Tương lai Tài chính số.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cho biết, theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua vào tháng 2/2021, kinh tế số là “một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045”.

Dẫn nguồn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Minh cho hay: “Nếu giả định rằng, các ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2045”.

Theo ông Minh, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

“Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chuyển đổi số đã diễn ra một cách sâu rộng và ngày càng chứng minh sự cần thiết, tính đúng đắn và hiệu quả. Một ví dụ rất đơn giản là giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một cá nhân đã có thể giải quyết vô vàn vấn đề của đời sống. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, mỗi ngày chúng ta lại được chứng kiến sản phẩm, dịch vụ, xu hướng mới”, ông Minh nhấn mạnh.

A
Toàn cảnh Tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam” và ra mắt Đặc san Tương lai Tài chính số.

8 tác động lớn của các Hiệp định thế hệ mới với tài chính số

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, khẳng định việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) là cơ hội cho nền kinh tế bắt nhịp với chuyển đổi số. Các FTA thế hệ mới đã thiết kế những quy định hoàn toàn khác, với tiêu chuẩn cao hơn và khó đáp ứng hơn so với các FTA truyền thống.

Những quy định đó, theo ông Bình, không chỉ tác động tới hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp fintech, công ty tài chính, mà còn tác động tới hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp.

Từ thực tế đó, ông Bình cho rằng, cần những chính sách mới mang tính chất định hướng, hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp trong việc thích nghi với các quy định khó này.

Riêng đối với EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU, ông Bình đánh giá, hai hiệp định này sẽ có tác động rất lớn tới quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế với 8 tác động.

Tác động đầu tiên là việc mở rộng đầu tư. Thực tế cho thấy, đầu tư thường sẽ nối gót thương mại. Sau những kết quả tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhờ EVFTA, cho tới nay, hoạt động đầu tư của EU vào Việt Nam đã bắt đầu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối năm 2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với gần 2.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 28 tỷ USD, chiếm khoảng 6,5% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam.

Đầu tư của EU có xu thế tập trung vào các ngành công nghệ cao - những ngành có trình độ và hàm lượng chuyển đổi số cao, ví dụ sản xuất công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch và tái tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính.

Tác động thứ hai, là sẽ thúc đẩy quá trình số hoá của doanh nghiệp Việt Nam thông qua quan hệ đầu tư với các nước thành viên của EVFTA. Doanh nghiệp FDI từ EU thường có tỷ lệ nội địa hoá cao hơn so với mức trung bình và có tính kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khi làm thầu phụ hay trở thành đối tác kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đến từ châu Âu. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp FDI của châu Âu như Ericsson, ABB, Bosch, Paggio, Zuellig Pharma, BNP Paribas... đang đóng góp đáng kể vào việc chuyển giao kiến thức, đổi mới, phát triển công nghệ và số hóa tại Việt Nam.

Tác động thứ ba là thúc đẩy quá trình phát triển bền vững. FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, đã dành riêng các chương về phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững để đáp ứng với các tiêu chuẩn cao mà các hiệp định này mang lại.

Tác động thứ tư là thúc đẩy quá trình giao dịch giữa doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với châu Âu bằng hình thức trực tiếp hoặc giao dịch qua không gian số.

Tác động thứ năm là công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân được chú trọng. Ví dụ, các nước trong CPTPP rất chú trọng quyền sở hữu trí tuệ, có thể tác động lớn, tốt hơn với quá trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Tác động thứ sáu là thúc đẩy khu vực công chuyển mình về năng lực số. EVFTA, ngay từ khi được đàm phán, đã thúc đẩy nhiều cải cách pháp lý, thúc đẩy hiện đại hóa pháp luật ở Việt Nam và tăng cường hiệu lực thực thi. 

"Các cải cách về chính sách và pháp luật cùng với các yếu tố khác nữa, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong nhiều năm và thập kỷ tới. Khu vực công, do vậy, đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm hiện thực hoá các cơ hội về chuyển đổi số từ EVFTA", ông Bình nói.

Tác động thứ bảy là EVFTA thúc đẩy quản trị công theo hướng hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt thông qua phát huy vai trò của công nghệ thông qua chuyển đổi số và các dịch vụ chính phủ điện tử, số hóa dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư, hải quan, thuế, giao nhận và các lĩnh vực khác.

Cuối cùng, EVFTA thế hệ mới thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, quy định pháp luật về môi trường số tại Việt Nam.

Fintech đang cần hành lang pháp lý

Nhận định về thực trạng nền kinh tế - tài chính số hiện nay, ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Công nghệ tài chính phát triển rất mạnh nhưng chưa quốc gia nào khẳng định hệ thống pháp lý hoàn thiện, trong đó có Việt Nam”.

Theo ông Quốc Anh, hiện nay, các ngân hàng đang dựa vào sự tiến bộ của công nghệ tài chính để số hóa quy trình nghiệp vụ. Hướng phát triển lớn thứ hai là các Fintech và BigTech tham gia phối hợp với các ngân hàng cũng như các tổ chức đang hoạt động trên thị trường tài chính, đồng thời cạnh tranh với chính các ngân hàng truyền thống. Hướng phát triển lớn thứ ba là thành lập các ngân hàng số.

Tại Việt Nam, ông Quốc Anh cho rằng, sự phát triển của Fintech dù rất nhanh, nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả Fintech và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các Fintech đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực; chi phí đầu tư, vận hành lớn; quy định pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ; công tác bảo mật thông tin khách hàng còn nhiều bất cập.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), nhận định việc hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số tại Việt Nam đang rất chậm và rất phân mảnh. Trong bối cảnh pháp lý như vậy, các doanh nghiệp nên đi vào thị trường ngách thay vì tập trung vào các thị trường lớn, cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn tại nước ngoài.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính số, ông Tuấn Nguyễn, Chủ tịch của eCap Holding cho biết, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành tài chính số còn rất lớn, trong đó, Fintech rất năng động, có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp lý về tài chính số vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, ông Tuấn Nguyễn đề xuất nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các Fintech, bởi các Fintech không muốn làm sai, nhưng nhiều khi không biết làm thế nào cho đúng.

Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần OneSecond Việt Nam cho hay, sự phát triển nhanh của các Fintech, nhưng không đi kèm với chất lượng tư vấn đang đẩy rủi ro tài chính đến người tiêu dùng nhanh hơn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế, để cùng tạo nên một nền tài chính số phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm, ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, nhận định: “Các ngân hàng, tổ chức tài chính hiện nay dễ dàng chuyển đổi số hơn các doanh nghiệp khác, bởi họ đã có kho dữ liệu”. Dù vậy, ông Hoàng Anh cho biết hiện nay thể chế chính sách liên quan đến kết nối dữ liệu đang có nhiều vướng mắc.

Theo đại diện FSI, để quá trình chuyển đổi số được diễn ra đồng bộ, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là rất quan trọng.

Tại sự kiện, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cũng chính thức ra mắt ấn phẩm “Đặc san Tương lai Tài chính số”. Trong ấn phẩm đặc biệt này, Tạp chí đã đăng tải các bài viết/thông điệp của các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và các chuyên gia hàng đầu về sự phát triển của nền kinh tế - tài chính số tại Việt Nam, từ những thành tựu, hạn chế trong quá trình phát triển đến những gợi mở về chiến lược, chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng làm rõ cơ hội, thách thức trong tiến trình số hóa doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từ đó gợi mở giải pháp cũng như nêu ra kiến nghị với cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho thị trường tài chính số phát triển.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư