Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Đưa bảo hiểm nhân thọ vào quỹ đạo chuẩn
Chí Tín - 04/01/2013 09:00
 
Đa dạng hoá và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ là định hướng phát triển chủ đạo của thị trường này trong thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN

Đầu năm nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ đón nhận thêm sự ra đời của một doanh nghiệp, đó là Liên doanh PVI Sun Life.

Trước đó, hai đối tác là Công ty cổ phần PVI và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Sun Life Financial (Canada) đã ký thỏa thuận hợp tác để thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life, trong đó, PVI sẽ sở hữu 51% vốn điều lệ và Sun Life sở hữu 49% vốn còn lại. Ông Kevin Strain, Tổng giám đốc Sun Life Financial khu vực châu Á cho biết, sự hợp tác giữa Sun Life và PVI sẽ cung cấp rộng rãi các sản phẩm bảo hiểm và dịch vụ tài chính cho khách hàng Việt Nam.

Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều hãng bảo hiểm nhân thọ nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Ngoài ra, một sự kiện khác vừa diễn ra trên thị trường bảo hiểm nhân thọ cuối năm 2012 là việc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo - Sumitomo Life (Nhật Bản) đã mua lại toàn bộ 18% cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt của Tập đoàn Bảo hiểm HSBC châu Á - Thái Bình Dương (HSBC).

Trong khi đó, các cơ quan xây dựng chính sách cũng đang có những chiến lược khá rõ nét trong việc định ra một quỹ đạo cho việc phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Tại “Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012” (do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương thực hiện), trong phần nói về bảo hiểm nhân thọ, mặc dù mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, cùng với sự gia nhập của hàng loạt tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới, nhưng thị phần trên thị trường bảo hiểm không có nhiều biến động. Ba công ty bảo hiểm lớn là Prudential, Bảo Việt và Manulife luôn chiếm thị phần lớn nhất trong 4 năm qua.

Thời gian tới, một trong những định hướng quản lý nhà nước được các chuyên gia đề xuất là đa dạng hoá và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015 là thời gian củng cố hệ thống đại lý bảo hiểm nhân thọ, xây dựng và áp dụng các chương trình đào tạo và chứng chỉ đại lý theo tính phức tạp của từng loại sản phẩm. Tiếp đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, các nhà quản lý sẽ đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển các kênh phân phối khác phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, như bán bảo hiểm qua ngân hàng, qua Internet…

Theo “Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012”, mức độ tập trung của thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có xu hướng giảm dần qua các năm, nhưng vẫn cao hơn so với ngưỡng bình quân được cơ quan quản lý cạnh tranh đưa ra. Lý giải mức độ tập trung vẫn cao của thị trường bảo hiểm nhân thọ, Báo cáo cho biết, lĩnh vực này có yêu cầu về vốn lớn, các yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm quản lý cũng rất cao, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp.

Xuất phát từ đặc thù và thực trạng cạnh tranh trên các thị trường dịch vụ, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho rằng, cần phải nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh để duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và tham vấn hòa giải khi các doanh nghiệp có khiếu kiện liên quan tới các vấn đề cạnh tranh.

Được biết, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang xây dựng cơ sở quản lý đại lý bảo hiểm theo hình thức trực tuyến. Hệ thống này sẽ hỗ trợ việc thống kê, nắm bắt tình hình phát triển cũng như hoạt động của đại lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư