Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Đưa nền tảng xuyên biên giới vào khung khổ pháp lý
Tú Ân - 20/09/2023 08:50
 
Để quản lý các nền tảng xuyên biên giới không phát tán các luồng thông tin xấu, độc và ngăn chặn thất thu thuế, cần nhanh chóng xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động của các nền tảng này tại Việt Nam.

Đấu tranh với thông tin xấu, độc, quảng cáo “bẩn”

Các nền tảng xuyên biên giới như Meta (Facebook), Google, Netflix, Amazone, Spotify, Apple, Telegram… hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm nay, cung cấp nhiều dịch vụ như mạng xã hội, OTT (dịch vụ truyền thông cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet), truyền hình trả tiền, nhạc trực tuyến… Với những dịch vụ này, các nền tảng xuyên biên giới kiếm hàng tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, nhưng nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật, trở thành “ổ” thông tin xấu, độc; chưa kể hành vi “né” thuế, trốn thuế, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 page (trang) quảng cáo; YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh; TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.

Nhấn mạnh việc các nền tảng xuyên biên giới hiện là “ổ” phát tán các luồng thông tin xấu, độc, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ, công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn, vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành. 

Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, thì việc xây dựng khung khổ pháp lý là giải pháp bắt buộc và rất quan trọng. Việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đã được quy định trong Luật An ninh mạng và nhiều văn bản pháp luật khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, năm 2023 là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này kiếm nhiều tiền, nhưng vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững, càng to, càng lớn, càng quan trọng, thì càng phải thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đi kèm phải càng lớn.

Ngăn chặn thất thu thuế

Có thể thấy, việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam không chỉ đáp ứng nhiệm vụ quản trị thông tin xấu, độc, tạo môi trường Internet lành mạnh, mà còn tạo sự công bằng trong công tác quản lý, giúp bảo vệ người dùng tốt hơn. Đặc biệt, việc đặt văn phòng tại Việt Nam cũng tạo cơ sở để các nền tảng xuyên biên giới hoàn thành các nghĩa vụ về thuế cũng như phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm.

Số liệu thống kê của Kantar Media Việt Nam cho thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực quảng cáo, các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok trong năm 2022 đã thu về khoảng 3,4 tỷ USD (tương đương 80.000 tỷ đồng). Ở mảng thương mại điện tử, doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng doanh thu của các mảng truyền hình trả tiền, phim trực tuyến, nhạc online, game… cũng rất lớn.

Thế nhưng, số thuế mà Nhà nước thu được chưa tương xứng với doanh thu, lợi nhuận của các nền tảng xuyên biên giới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ xuyên biên giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft... nộp gần 4.000 tỷ đồng tiền thuế. Trước đó, năm 2022, khối doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới nộp gần 3.500 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON (thành viên của Hệ sinh thái công nghệ truyền thông giải trí DatVietVAC Group Holdings) cho biết, VieON đã nhiều lần có ý kiến về những bất cập trong quản lý hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp trong nước đều cảm thấy có sự bất bình đẳng, không chỉ là việc các nền tảng xuyên biên giới không bị kiểm tra, giám sát, xử phạt khi có nội dung vi phạm, mà còn là trách nhiệm về thuế.

“Các nền tảng xuyên biên giới có thuê bao trả tiền tại Việt Nam, nhưng lại không thể đánh thuế trực tiếp vì họ không có văn phòng. Bên cạnh đó, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quy định, dữ liệu của người dùng Việt Nam phải được đặt ở trong nước và không được chuyển ra nước ngoài, nhưng các dịch vụ xuyên biên giới hiện nay đều chuyển dữ liệu của người dùng Việt ra nước ngoài. Vì vậy, việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam là cần thiết, bởi theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ tại Việt Nam, xin giấy phép và đóng thuế”, ông Long khẳng định.

Liên quan đến vấn đề dữ liệu người dùng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS nêu quan điểm, các nền tảng xuyên biên giới có thu thập dữ liệu của người dùng Việt Nam, thu lợi từ các hoạt động tại Việt Nam nên phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc các công ty xuyên quốc gia đặt văn phòng tại Việt Nam là cần thiết để có thể đáp ứng, tuân thủ đúng, đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong xây dựng, ban hành các nghị định về quản lý nền tảng xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất chủ trương: bất kỳ ai đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được quản lý giống nhau, loại bỏ tình trạng “bảo hộ ngược” (doanh nghiệp trong nước thì quản lý chặt, còn doanh nghiệp nước ngoài thì buông lỏng).

TikTok đã bị Ủy ban Bảo vệ dữ liệu của Ireland phạt 368 triệu USD do vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư, liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em tại các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Theo Ủy ban Bảo vệ dữ liệu của Ireland, các tài khoản TikTok của những thành viên dưới 16 tuổi đã được cài đặt chế độ công khai theo mặc định từ năm 2020. Tức là, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy các bài đăng của những tài khoản này. Những cài đặt mặc định còn gây rủi ro cho trẻ em dưới 13 tuổi có quyền truy cập vào nền tảng dù không được phép.
Bịt lỗ hổng thất thu thuế từ nền tảng xuyên biên giới
Facebook, Google, Netflix, TikTok… sẽ buộc phải kê khai, nộp thuế cho Việt Nam sau nhiều năm né tránh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư