Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Đưa nghị quyết vào cuộc sống và hành động của đại biểu Quốc hội
Nguyễn Lê - 05/07/2023 14:04
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 với nhiều yêu cầu gỡ khó cho nền kinh tế. Để đưa nghị quyết này vào cuộc sống, thì hành động của các đại biểu Quốc hội là vô cùng quan trọng.
Việc điều hành chính sách tiền tệ được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong kỳ họp vừa qua. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất có vận hành thực chất không

Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 (Nghị quyết chung Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV), Quốc hội yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý.

Yêu cầu từ Quốc hội còn là điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.

Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhiều lần đặt ra tại các phiên thảo luận ở nhiều kỳ họp.

Tại kỳ họp này, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp, ông Hà Sỹ Đồng đã dùng quyền chất vấn qua văn bản với những vấn đề mà theo ông, cần có lời giải thấu đáo hơn, trong bối cảnh doanh nghiệp khát vốn và tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Ở văn bản chất vấn, đại biểu Đồng cho rằng, mặt bằng lãi suất thực cho vay doanh nghiệp và người dân đứng ở mức cao và khá lâu so với nhiều nước trong khu vực là một thực tế khá nhức nhối. Ông Hà Sỹ Đồng đánh giá, những động thái chính sách và điều hành nghiệp vụ của Thống đốc thời gian qua không đạt mong muốn của Quốc hội và đề nghị Thống đốc giải thích điều này, đồng thời chất vấn: “Thực ra, cơ chế điều hành lãi suất có vận hành thực chất không?”.

Trả lời, Thống đốc cho biết, tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và là một trong những ngân hàng trung ương cuối cùng điều chỉnh tăng lãi suất nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Bước sang năm 2023, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Theo hồi âm của Thống đốc, đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do độ trễ của chính sách tiền tệ cần có thời gian để thẩm thấu. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, mặc dù mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm còn chậm.

Băn khoăn với hồi âm này, ngày 4/7, đại biểu Hà Sỹ Đồng tiếp tục gửi chất vấn đến Thống đốc.

“Câu hỏi của tôi là, mức lãi suất cho vay thực ở ta hiện nay và những năm qua có cao bất hợp lý so với mặt bằng của các nước trong khu vực không? Nếu có thì tại sao? Cơ chế truyền dẫn lãi suất (từ chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước tới thị trường tiền tệ và đi vào nền kinh tế) có vận hành thực chất và trơn tru hay không?”, đại biểu Đồng nhấn mạnh vấn đề Thống đốc chưa trả lời trực tiếp.

Vẫn lo rủi ro tỷ giá

Liên quan mật thiết đến nội dung chất vấn thứ nhất, ở nội dung thứ hai tại văn bản chất vấn, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề: tốc độ tăng của Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) lõi so với tháng liền trước gần như liên tục giảm kể từ tháng 9/2022 đến nay, tương đồng với thực trạng suy yếu của tổng cầu trong hơn 2 quý qua. Khả năng này có thể tiếp tục trong ít nhất 2 quý tới.

Chất vấn từ vị đại biểu Quảng Trị là Thống đốc còn quan ngại về chỉ tiêu lạm phát năm nay không. Nếu như đã khá yên tâm rồi, Thống đốc có mạnh dạn và quyết liệt triển khai định hướng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, qua đó góp phần tích cực hơn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ hay không?

Trong văn bản trả lời, Thống đốc nêu diễn biến lạm phát từ cuối năm 2022 đến hết tháng 5/2023 và nhận định việc đạt được mục tiêu lạm phát bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5% là khả thi.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát, bởi vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát chung trong nước. Ngoài ra, với độ mở nền kinh tế lớn, ngoài mục tiêu lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ còn phải ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Trong bối cảnh lãi suất USD quốc tế neo ở mức cao (thời điểm cuối tháng 6/2023 là 5-5,25%/năm) và còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, lãi suất VND cần có mức chênh lệch hơp lý với lãi suất USD để duy trì lợi ích của việc nắm giữ VND.

“Nếu tỷ giá tăng quá cao (VND mất giá) có thể dẫn đến lạm phát nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng đến lạm phát CPI. Thực tế, điều hành nhiều năm qua đã chứng minh rõ điều này. Việc duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ và tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Thống đốc hồi âm đại biểu.

Đồng tình với quan điểm “giữ ổn định tỷ giá để góp phần kiểm soát lạm phát” của Thống đốc, song ở văn bản tái chất vấn, đại biểu Đồng cho biết, điều ông băn khoăn là, tương quan giữa các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất thị trường tiền tệ và mức lãi suất huy động - cho vay nền kinh tế đang rất khập khiễng, xa rời nhau, thậm chí thái quá. Bất cập này khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng dường như không thấy xảy ra ngay ở những nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương trong khu vực.

Dẫn lời Thống đốc cho rằng, “lãi suất VND cần có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD để duy trì lợi ích của việc nắm giữ VND, bảo đảm giá trị VND…”, ông Đồng phân tích, nếu điều này thể hiện tương quan giữa hai mức lãi suất thị trường tiền tệ của hai quốc gia, thì việc điều tiết cung tiền và lãi suất của Thống đốc như hiện nay rõ ràng đang gây rủi ro cho tỷ giá và thị trường ngoại tệ (chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang bị âm rất sâu).

Trong khi đó, điều hành như vậy tác động rất hạn chế đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân - một vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội rất sốt ruột.

Câu trả lời tiếp theo của Thống đốc thế nào thì cần có thời gian, song đại biểu Đồng nói rằng, ông sẵn sàng tiếp tục chất vấn Thống đốc, nếu câu trả lời lần hai vẫn chưa đủ thuyết phục.

Rõ ràng, việc theo đuổi đến cùng vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi sẽ giúp các vị nắm giữ trọng trách ở những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nhìn nhận rõ hơn những “góc khuất” trong điều hành, từ đó có thể có những điều chỉnh kịp thời hơn.

Ở Nghị quyết 101/2023/QH15, Quốc hội còn có nhiều yêu cầu khác, bên cạnh chính sách tiền tệ. Và nhiều vị đại biểu khác, với cách thức khác nhau, cũng đang hướng tới mục tiêu đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thực chất nhất, hiệu quả nhất.

“Theo tôi biết, có khá nhiều đại biểu đã sử dụng quyền chất vấn qua văn bản. Tuy nhiên, không phải văn bản nào cũng được công khai. Với những vấn đề mà đại biểu thấy đến thời điểm cần cần công khai thì sẽ công khai để có thêm sự đồng hành”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn để phục hồi kinh tế

Các chuyên gia cho biết, vừa qua, nền kinh tế nước ta gặp 2 cú sốc: đại dịch Covid-19 và giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng theo tôi, có thêm một cú sốc khác, được tạo nên bởi chính nội tại, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay. Câu hỏi lớn đặt ra là: Ai đang thực sự đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong lúc khốn khó này?

“Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, tôi và các vị đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện ngay chức năng giám sát đối với các vấn đề cấp bách, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó sẽ có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi trên, có thêm căn cứ để đánh giá tín nhiệm các thành viên Chính phủ ở kỳ họp tới”, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội: Kiên định mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, sáng 4/7.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư