Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Gần 69% người lao động bị giảm thu nhập
Mạnh Bôn - 06/10/2020 14:25
 
Tính đến hết tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19: bị mất việc làm, dãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm…
Công bố tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2020
Công bố tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2020

Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Trong đó có gần 69% người bị giảm thu nhập là con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo về tình hình lao động và việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2019.

Thu nhập của người lao động giảm 2,1%

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7/2020, tác động tiêu cực đến tình hình lao động và việc làm, thu nhập của người lao động, tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, trong quý III, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đã được cải thiện hơn so với quý trước, nhưng vẫn giảm hơn so với cùng kỳ 2019.
“Tính đến hết tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ dãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó có gần 69% người bị giảm thu nhập; khoảng 4% phải giảm giờ làm, giãn việc, nghỉ việc luân phiên và khoảng 14% phải tạm nghỉ việc, tạm ngừng hoạt động do doanh nghiệp gặp khó khăn”, bà Hương thông tin.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị là 4% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây; thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,1% so với quý III năm 2019 (nếu tính cả lạm phát thì thu nhập thực tế của người lao động còn giảm mạnh hơn nữa); lực lượng lao động trong quý III đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa thể phục hồi về trạng thái của cùng kỳ năm 2019 khi lực lượng lao động vẫn còn giảm đến hơn 1,1 triệu người.

“Nguyên nhân là do 33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng cao nhất bởi Covid-19 là vận tải, kho bãi (79,7%); dịch vụ ăn uống (81,7%); nghệ thuật vui chơi, giải trí (88,6%)… chưa kể 2,79% lao động trong độ tuổi đang bị thiếu việc làm, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 là 1,21%”, bà Thủy giải thich thêm.

Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Valentina Barcucci rất ấn tượng khi thị trường lao động của Việt Nam trong quý III năm nay có sự thay đổi tích cực rất đáng kể mặc dù so với cùng kỳ năm 2019 cũng như các năm trước thị trường lao động, việc làm, thu nhập của người lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm quý III năm nay còn khoảng cách khá xa.

“Đại dịch Covid tiếp tục thách thức thị trường lao động, thu nhập của người lao động toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ và đặc biệt, cho đến thời điểm này mặc dù dịch bệnh đã xảy ra hơn 9 tháng nhưng không một Chính phủ, tổ chức, chuyên gia nào có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới. Vì vậy, kết quả mà Việt Nam đạt được trong quý III vừa qua rất ấn tượng”, bà Valentina nhấn mạnh.

Quý VI sẽ khả quan hơn

Theo bà Valentina, Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, Tổng cục Thống kê đã thực hiện thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 cuộc điều tra: điều tra lao động và việc làm hàng tháng và điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Đây là những thông tin rất hữu ích, rất kịp thời để Chính phủ, các bộ ngành đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn, thiết thực hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua được khó khăn, phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Valentina bình luận.  

Dự báo về thị trường lao động, thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý IV, bà Vũ Thị Thu Thủy nhận định: “Sẽ khả quan hơn quý III và 6 tháng đầu năm”.

“Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông, lưu chuyển hàng hóa đang trở lại bình thường sau khi khống chế thành công làn sóng dịch bệnh thứ 2 quay trở lại. Hơn nữa, theo quy luật, vào những tháng cuối năm bao giờ hoạt động đầu tư, thương mại, chi tiêu của cả khu vực Nhà nước, doanh nghiệp cũng như hộ gia đình, cá nhân cũng tăng hơn 3 quý đầu năm nên sẽ tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm”, bà Thủy dự báo.

“Kể cả trường hợp xấu nhất là làn sóng Covid thứ 3 quay trở lại thì thị trường lao động, việc làm, thu nhập của người lao động cũng sáng sủa hơn hơn 3 quý đầu năm vì làn sóng Covid thứ hai quay trở lại, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đã có kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa bao đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó chính là bài học thay vì giãn cách toàn xã hội, cách ly xã hội triệt để, bây giờ ở đâu có dịch thì giãn cách ở đó, cách ly ở đó, còn những nơi không bị dịch một mặt triệt để phòng chống dịch, kiểm soát dịch, mặt khác vẫn để mọi hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh, lưu thông diễn ra bình thường”, bà Nguyễn Thị Hương nói thêm.

[Infographic] Quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua
Quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của người lao động cả nước tăng cao nhất trong 10 năm qua (2011-2020), ở mức 2,73%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư