Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá nào cho thu hút FDI?
Nguyên Đức - 08/12/2014 09:00
 
Câu chuyện về Dự án World Shine trên đèo Hải Vân đã tạm thời lắng xuống, nhưng đằng sau nó là bài học cho việc cần thiết phải cân nhắc lợi ích khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dừng Dự án nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân gây xôn xao dư luận
Thu hút FDI năm 2014 đã cán đích
Cho DN nước ngoài làm khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân: Coi nhẹ an ninh quốc gia?
Không thu hút FDI bằng mọi giá
Hà Nội nỗ lực “hút” FDI sạch
Công bố lĩnh vực "cấm" và "hạn chế" thu hút FDI

Dư luận đã tạm yên tâm khi Thừa Thiên Huế cuối cùng đã quyết định dừng thực hiện Dự án World Shine trên đèo Hải Vân sau khi có những quan ngại về việc dự án này có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

  Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng thực hiện Dự án World Shine trên đèo Hải Vân  
  Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng thực hiện Dự án World Shine trên đèo Hải Vân sau khi có những quan ngại về an ninh, quốc phòng  

Không chỉ là Thừa Thiên Huế, mà cả Đà Nẵng, sau vụ việc của World Shine đã rà soát lại một loạt dự án có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và đã đề nghị dừng triển khai 3 dự án, đồng thời yêu cầu một dự án cắt bớt độ cao.

Đó là các dự án trồng rau sạch ở Hòa Vang, Tàu lặn đánh kính ngắm san hô tại Khu bán đảo Sơn Trà, mở rộng phạm vi du thuyền 20 hải lý và Dự án Khu phức hợp bến cảng du thuyến sông Hàn thuộc khu vực cảng cá Thuận Phước (cũ). Cả 3 dự án này, cũng như Dự án World Shine đều có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa biết lợi ích của các dự án trên đến đâu, song việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đặt ở các vị trí nhạy cảm là việc không nên. Chính thì thế, việc dừng thực hiện các dự án này đã nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tuy nhiên, câu chuyện không hẳn chỉ là việc dừng hay không, mà là bài học rút ra sau câu chuyện này là gì. Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014, trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng đã khẳng định rằng, vẫn còn một số sơ hở trong cấp phép dự án này và việc dừng dự án là có cơ sở chính đáng, cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm cuối tuần vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã họp và rút kinh nghiệm về vụ việc Dự án World Shine. Trong khi đó, ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban phụ trách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khẳng định, đơn vị sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án và nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm các bộ phận, cá nhân làm sao trong việc tham mưu, đề xuất Dự án.

Sự việc sẽ không dừng ở đây, mà còn một loạt vấn đề cần xử lý, bao gồm cả việc đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, song rõ ràng, bài học sau vụ việc World Shine là điều mà không chỉ Thừa Thiên Huế cần rút ra.

Cũng cần phải nhắc lại câu chuyện của 3 năm trước, khi dư luận đã phải lên tiếng về việc một số địa phương cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng. Tính chất nghiêm trọng của việc này đã “làm nóng” nghị trường Quốc hội cũng bởi lý do lợi đâu chưa thấy,mà đã phải lo về vấn đề an ninh, quốc phòng. Một cuộc rà soát, kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các dự án FDI trong lĩnh vực lâm nghiệm và nuôi trồng thủy sản đã được tổ chức. Dự án nào triển khai không hiệu quả đã bị thu hồi. Âu cũng là bài học đắt giá và đáng quý.

Kết quả hơn 25 năm thu hút FDI đã chứng minh khu vực này có đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Một vài con số để chứng minh: khu vực FDI hiện đóng góp 25% vốn đầu tư toàn xã hội, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 65% giá trị xuất khẩu, 19% GDP, 20% thu ngân sách...

Tất nhiên, những tồn tại, hạn chế là có thật. Chuyện cấp chứng nhận đầu tư mà chưa có sự sàng lọc kỹ càng không phải là không có, thậm chí đã có thời điểm, có địa phương chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhưng giờ là thời điểm Việt Nam có quyền lựa chọn và có quyền nói không với các dự án không mang lại lợi ích cho quốc gia, những dự án không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...

Xét trên khía cạnh này, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về việc hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đã hoàn toàn hợp lý. Mặc dù vẫn còn có những hướng dẫn chưa thật hợp lý, khiến nhiều nhà đầu tư phản đối và Chính phủ đã phải quyết định tạm hoãn thi hành Thông tư, song “quyền lựa chọn” cũng nên được Việt Nam thực hiện trong trường hợp này.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đó là thông điệp đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư