Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Giải bài toán năng lực cạnh tranh: Vi mô hay vĩ mô?
Ngô Nga - Vietnam Report - 10/08/2013 12:46
 
Doanh nghiệp Việt khó tìm lời giải cho năng lực cạnh tranh của mình khi năng lực cạnh tranh quốc gia giảm điểm.

Năng lực cạnh tranh quốc gia đang giảm nhanh chóng

Trong Báo cáo mới nhất về Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 - 2013 (Global Competitiveness Report 2012- 2013) được WEF công bố đầu năm 2013 với dữ liệu thống kê và khảo sát từ 144 quốc gia tính đến hết năm 2011 cho thấy, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/144 của Bảng xếp hạng.

Trong 3 năm xếp hạng, thì đây là năm Việt Nam tụt hạng nhiều nhất, 16 bậc và hiện là nước thuộc nhóm 3 nước có thứ hạng thấp nhất trong số các thành viên ASEAN được khảo sát và xếp hạng.

Bảng 1: Một số nước Đông Nam Á được xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012- 2013 và so sánh với năm trước đó

Quốc gia

Thứ hạng GCI 2012 - 2013

Thứ hạng GCI 2011 - 2012

Singapore

2

2

Malaysia

25

21

Brunei

28

28

Thái Lan

38

39

Indonesia

50

46

Philippin

65

75

Việt Nam

75

65

Campuchia

84

97

Đông Timor

136

131

(Nguồn: Global Competitiveness Report 2011- 2012 và 2012- 2013)

Cũng theo báo cáo, Việt Nam bị mất điểm ở 9/12 hạng mục của GCI. Thứ hạng của Việt Nam xét về các hạng mục riêng lẻ đều dưới 50, và nghiêm trọng hơn là gần mốc 100 ở nhiều hạng mục chính.

Trong bộ tiêu chí về các yếu tố cơ bản, Việt Nam giảm tới 41 bậc ở hạng mục môi trường vĩ mô (xếp hạng 106) sau khi đã tăng kỷ lục 20 bậc trong năm trước cho thấy dấu hiệu của sự không ổn định. Điều này cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng rất mong manh, độ nhạy cảm cao, do đó dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới và khu vực.

Với bộ tiêu chí về đổi mới, Việt Nam tiếp tục “lơ lửng” ở vị trí 90, trong đó nhóm yếu tố về đổi mới sáng tạo đứng thứ 81 và độ tinh xảo trong kinh doanh xếp hạng 100.

Sự e ngại của nhà đầu tư

Trong khuôn khổ khảo sát, WEF cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, mà cơ bản là về khả năng tiếp cận với tài chính (18,2/100), tình hình lạm phát (14,5/100) và cơ sở hạ tầng kém (13,3/100) (Hình 1).

Hình 1: Những trở ngại lớn nhất khi kinh doanh tại Việt Nam

Dựa trên thống kê vĩ mô năm 2011 cho thấy lạm phát cao buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vô hình chung khiến khả năng tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng (hạng 95) của Việt Nam hiện đang ở mức quá tải và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn trong thời gian tới dù đã được cải thiện trong vài năm gần đây, đặc biệt về chất lượng đường xá (hạng 120) và cảng biển (hạng 113). Phải chăng đây chính là hệ quả mà Việt Nam phải gánh do tăng trưởng quá nhanh trước đó?

Thống kê chi tiết hơn về các nhóm doanh nghiệp, rõ ràng không chỉ ở khối nhà nước mà còn bao gồm cả khối tư nhân vốn được mệnh danh là lực lượng năng động của nền kinh tế cũng đều bị đánh giá thấp. Vấn đề chính của các tổ chức nhà nước là tham nhũng, hoạt động thiếu hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, nhóm tư nhân lại trì trệ do đạo đức kinh doanh kém và trách nhiệm giải trình đặc biệt yếu.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá khá tốt về thị trường lao động tương đối hiệu quả (hạng 51), quy mô thị trường lớn (hạng 32) và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục phổ thông (hạng 64).

… cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp Việt

Theo khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report, với đối tượng là các CEO đến từ nhóm các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Fast500) và nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V100) về những quan ngại của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2013, có thể thấy, lạm phát (90,8%), tình hình kinh tế thế giới bất ổn (89,7%) hay những thay đổi về chính sách vĩ mô của Chính phủ (88,5%) có ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hình 2: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500, Fast500, V1000 về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh
tại doanh nghiệp trong năm 2013

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, các yếu tố bên ngoài có tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Sẽ không ít người nhận định, phải chăng đây chỉ là sự “bao biện” bởi theo họ, “năng lực cạnh tranh” của doanh nghiệp mới là yếu tố chính yếu giúp doanh nghiệp hoạt động tốt và tồn tại được trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nhận định này không sai, tuy nhiên, muốn có “năng lực cạnh tranh tốt” không phải cũng cần một “môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng”? Mà làm được điều đó, chỉ riêng doanh nghiệp và nhà đầu tư là không đủ.

Thay cho lời kết, xin trích dẫn nhận định của WEF trong đoạn báo cáo nói về Việt Nam. “Thử thách đặt ra trước mắt cho Việt Nam là khá nhiều, đòi hỏi những hành động chính sách mang tính quyết định nhằm cải thiện tình hình tăng trưởng của đất nước trên nền tảng ổn định hơn”. Đó cũng là kỳ vọng của các doanh nghiệp Việt.

Tiếp tục “nhân giống” hay bán lại thương hiệu?
Kinh doanh nhượng quyền thương mại đang nở rộ tại Việt Nam với mức độ cạnh tranh khốc liệt. Điều này đặt doanh nghiệp Việt Nam vào tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư