Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giải cơn khát chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tú Ân - 31/07/2022 13:03
 
Rào cản đầu tiên của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong chuyển đổi số chính là nguồn vồn.

“Cải tử hoàn sinh” nhờ chuyển đổi số

Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021, do Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện và công bố tại Hội thảo Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đến 60,1% SME gặp khó khăn trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số. Chỉ có 25% SME tiếp cận được nguồn tín dụng chính thống, 75% phải tìm kiếm ở kênh không chính thức.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa), tỷ lệ  doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SME gặp khó khăn về vốn, nên họ cho rằng chuyển đổi số chỉ là “sân chơi” của những ông lớn. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 55,6% doanh nghiệp từ chối chuyển đổi số vì cho rằng chi phí cao.

Trước nhu cầu bức thiết của SME, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với USAID, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho SME.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, khoảng 31.000 tỷ USD, tương đương 72 triệu tỷ đồng là con số dự báo sẽ được cộng thêm vào GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho SME. Quá trình này ở Việt Nam dự báo sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD, tương đương 705.000 tỷ đồng.

Ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanpo Vina cho biết, Hanpo Vina đã tiếp cận được nguồn tài chính khoảng 5 tỷ đồng từ đối tác, thông qua sự kết nối của dự án LinkSME. Với nguồn tài chính lưu động đó, Hanpo Vina đã vượt qua được giai đoạn khó khăn trong thời gian Covid-19 và đã đầu tư một số dây chuyền sản xuất mới, mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Công Lãm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh cũng cho hay, với sự hỗ trợ của dự án LinkSME, An Vạn Thịnh đã kết nối tiếp cận tài chính thành công với HD Bank và được phê duyệt hạn mức vốn lưu động 45 tỷ đồng.

Ông Đặng Bình Thịnh, Trưởng phòng cấp cao Công ty cổ phần Sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT cho biết, việc hợp tác với dự án LinkSME đã mở ra cho Công ty nhiều cơ hội về kết nối kinh doanh như: kết nối thành công, có đơn đặt hàng với nhiều khách hàng doanh nghiệp Mỹ và Canada. Ngoài ra, Công ty còn được nâng cao năng lực qua việc đánh giá năng lực sơ bộ, kiểm toán năng lực toàn diện; đào tạo nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng như KPIs, BIQ, SMED…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần EUBIZ Việt Nam và EUBIZ Bình Phước chia sẻ, khi làm việc với dự án LinkSME, Công ty đã có một lộ trình chuyển đổi số rất rõ ràng từ năm 2021 - 2025, trong đó tập trung hoàn thiện mục tiêu thị trường, sản phẩm tối ưu, phát triển hệ thống nông nghiệp 4.0.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số. Bên cạnh hỗ trợ SME về chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp và dự án LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 SME, trong đó 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Cần thêm trợ lực mới

Dự án LinkSME với nguồn kinh phí 24,9 triệu USD mới chỉ phần nào “giải khát” được cho một bộ phận nhỏ cộng đồng hơn 870.000 SME. Đa phần SME vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, đặc biệt về tài chính.

Chia sẻ về khó khăn của SME, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, SME chỉ đủ khả năng chi trả cho sản xuất cơ bản, còn để đầu tư lớn cho chuyển đổi số thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được ngay, bởi các vấn đề chi phí, tư vấn, định giá, giải pháp thực hiện, bảo mật thông tin... Bên cạnh đó, vấn đề vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều hạn chế do chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital cho rằng, bản chất vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp chưa xác định được bài toán chuyển đổi số. Việc này dễ khiến SME có nguồn lực tài chính hạn chế sẽ lãng phí chi phí đầu tư và thử nghiệm.

“Đối với SME, việc nâng cao trải nghiệm khách hàng sẽ là bài toán được ưu tiên nhất, vì giúp tạo nguồn thu trực tiếp mới cho doanh nghiệp, trong khi tiết kiệm được nguồn lực tài chính và con người. Bên cạnh đó, SME cần cân đối nguồn lực thực hiện bởi tài chính không quá dồi dào, cần tập trung cho các hạng mục ưu tiên và các sáng kiến mang tính “đánh nhanh thắng nhanh”, ông Minh khuyến nghị.

Có thể thấy, để chuyển đổi số thành công, đưa doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới, các SME cần cân nhắc đến 3 yếu tố là nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ và nguồn nhân lực. Đồng thời, các SME cần xác định chiến lược cụ thể để tiến hành chuyển đổi số trúng và đúng, mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, chậm trễ trong quá trình chuyển đổi. Cùng với đó, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ SME về tiếp cận tài chính, vốn vay, công nghệ trong quá trình chuyển đổi số.

“Tiếp sức” đường đua chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã khơi mở những hướng đi mới cho những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư