Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Vì sao dang dở?
Hà Quang - 13/07/2016 08:23
 
Câu chuyện về ông Nguyễn Đình Dũng, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp xã Tân Xã, huyện Thạch Thất (Hà Nội) khiếu nại công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là câu trả lời, vì sao dự án trọng điểm của Nhà nước gần 20 năm nay vẫn chưa hoàn thành.
TIN LIÊN QUAN

Dở cuốn album đã ngả vàng, người đàn ông tóc muối tiêu buồn bã chỉ cho chúng tôi xem những “chiến tích” làm kinh tế oanh liệt của một thời tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, nhất là khi cái đói nghèo của người dân gặp được chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế của Nhà nước đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Năm 1993, ông Nguyễn Đình Dũng ở thôn 5, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất rời quân ngũ. Đây đúng thời điểm Nhà nước thực hiện chủ trương giao đất khai hoang khu kinh tế mới, ông Dũng đã được Ban Dự án Kinh tế mới Hòa Lạc, UBND huyện Thạch Thất giao 3 ha tại khu Khoang Ấp - Khoang Nhện để phát triển kinh tế. Không dừng lại ở đó, ông Dũng còn xin cha thế chấp căn nhà đang ở để có tiền mua thêm khoảng 3 ha phần đất mà các hộ dân khác trong xã cũng được giao làm kinh tế, nhưng không có vốn nên chuyển nhượng lại. Với diện tích đất đã có, ông Dũng mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích thuê diện tích khoảng 100 ha mặt nước hồ Tân Xã, huyện Thạch Thất để phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế VAC. Sau gần 10 năm, với sự nỗ lực không mệt mỏi, khu đất đồi Chằm Lẹm - Khoang Ấp hoang hóa xung quanh khu vực hồ Tân Xã đã trở thành trang trại sinh thái Hòa Lạc, với 3 khu nhà sàn tổ chức hội nghị, hội thảo và du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm 80 lao động có thu nhập trung bình 600.000 đồng/tháng.

Phần còn lại của khu hồ Tân Xã trước đây được gia đình ông Nguyễn Đình Dũng thuê để thả cá. Ảnh: Quang Hưng
Phần còn lại của khu hồ Tân Xã trước đây được gia đình ông Nguyễn Đình Dũng thuê để thả cá. Ảnh: Quang Hưng

Tại Hội nghị Biểu dương doanh nghiệp trẻ toàn quốc năm 2002, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó bí thư Đoàn thanh niên Tân Xã khi đó vinh dự đứng trong hàng ngũ những thanh niên làm kinh tế giỏi được Thủ tướng Phan Văn Khải biểu dương và chụp ảnh lưu niệm. Nhưng không ai ngờ rằng, đó cũng là những mốc son cuối cùng trước khi bắt đầu chuỗi tháng ngày nhiều thăng trầm của gia đình ông Dũng và những người lao động trong doanh nghiệp do ông làm chủ. “Cuộc đời tôi có lẽ đã rất khác nếu khu đất trang trại không bị Nhà nước thu hồi làm dự án. Đó là khúc quanh định mệnh vẫn ám ảnh tôi đến tận hôm nay”, ông Dũng bùi ngùi! 

Năm 2007, khi trang trại được ông Dũng xây dựng theo mô hình kinh tế VAC và du lịch sinh thái bắt đầu cho thu hoạch, cũng là lúc UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) thực hiện Quyết định số 404/2002/QĐ - UBND thu hồi đất phục vụ cho Dự án xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Gạt nước mắt, ông Dũng bàn giao toàn bộ diện tích đất gồm 3 ha được giao, 3 ha đất nhận chuyển nhượng và toàn bộ diện tích hồ nuôi cá cho chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng làm Dự án. Phần đất 3 ha khu Khoang Ấp - Khoang Nhện mà Ban Dự án Kinh tế mới Hòa Lạc, UBND Thạch Thất giao cho hộ ông Nguyễn Đình Dũng năm 1993, UBND huyện Thạch Thất bồi thường số tiền 2,5 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn không cấp đất tái định cư.

Phần bồi thường 3 ha đất khu Chằm Lẹm - Khoang Ấp ông Dũng nhận chuyển nhượng từ các hộ dân khai hoang thì bị “làm khó”, khi tổ công tác của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất kiểm đếm diện tích thực tế là 5,15 ha, lớn hơn so với giấy tờ nhận khoán ban đầu hơn 2,1 ha.

Giải thích phần diện tích tăng thêm này, ông Dũng cho biết, theo Hợp đồng khai hoang của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Xã ký với các hộ dân ngày 20/8/1992, diện tích ước khoảng 3 ha. Hợp đồng cũng có ghi rõ, “sau 5 năm, HTX sẽ khảo sát và xác định diện tích thực tế các hộ đã khai hoang để định mức khoán cho sát thực tế”. Tuy nhiên, 5 năm sau, Nhà nước có quy hoạch khu vực này làm Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nên khu đất đã không được HTX nông nghiệp Tân Xã xác định diện tích thực tế.

“Phần đất 2,1 ha tăng thêm chính là diện tích dôi dư mà các hộ dân và gia đình ông Dũng đã khai hoang”, ông Dũng cho biết. Cũng phải nói thêm rằng, tại Quyết định số 1656/QĐ – UBND (ngày 18/6/2008), UBND tỉnh Hà Tây đồng ý bồi thường cho hộ ông Nguyễn Đình Dũng diện tích đất bị thu hồi là 51.553,8 m2, với số tiền là 2,7 tỷ đồng. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, 9 tháng sau khi có quyết định bồi thường, ngày 12/3/2009, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất mới tạm ứng cho ông Dũng số tiền 1 tỷ đồng.

Lý do giữ lại 1,7 tỷ đồng tiền bồi thường này, ông Chu Đại Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khi đó cho rằng: “Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã nhiều lần yêu cầu hộ ông Dũng xuất trình hồ sơ để chứng minh phần diện tích hơn 2,1 ha vượt so với giấy tờ giao đất, nhưng hộ ông Dũng không cung cấp được. Đến ngày 4/1/2013, sau khi nhận được văn bản giải trình của hộ ông Dũng và báo cáo của UBND xã Tân Xã, Hội đồng đã tổ chức chi trả phần kinh phí còn lại cho ông Dũng”.

Thực tế, trong việc “câu lưu” tiền bồi thường này, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất đã bỏ qua Hợp đồng khai hoang của HTX nông nghiệp Tân Xã ký với các hộ dân ngày 20/8/1992 và Báo cáo số 07/BC - UBND (ngày 20/9/2008) của UBND xã Tân Xã để có câu trả lời vì sao diện tích đất trên giấy tờ khi giao cho các hộ dân là 3 ha mà khi kiểm đếm trên thực tế diện tích là hơn 5,1 ha.

Theo báo cáo số 07/BC - UBND (ngày 20/9/2008) của UBND xã Tân Xã, thì trước năm 1987, khu Chằm Lẹm - Khoang Ấp thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Năm 1988, khu đất được trả lại cho địa phương theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Diện tích bàn giao khoảng 500 ha, không có bản đồ, mục kê và không có ai sản xuất.

“Để đảm bảo đất đai không bị bỏ hoang, năm 1992, HTX nông nghiệp và UBND xã Tân Xã đã giao cho 10 hộ dân trong xã khai hoang khu đất Khoang Ấp - Chằm Lẹm, khi giao diện tích ước khoảng 3 ha. Sau 1 năm, 10 hộ dân do không có vốn đầu tư cải tạo khu đất nên đã chuyển nhượng lại cho ông Dũng. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông Dũng đã đầu tư, cải tạo khu đất. Ông Nguyễn Đình Dũng sử dụng cho đến nay không có tranh chấp và vướng mắc với hộ nào xung quanh. Đến năm 2004, khi Nhà nước tổ chức đo đạc bản đồ để xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đất trên có diện tích 51.553,8 m2. Hộ ông Dũng sử dụng để cấy lúa, thả cá là đúng mục đích”, báo cáo số 07/BC-UBND ngày 20/9/2008 của UBND xã Tân Xã nêu rõ.

Như vậy có nghĩa là, sau khi tỉnh Hà Tây có Quyết định số 1656/QĐ - UBND quyết định thu hồi diện tích đất mà ông Nguyễn Đình Dũng nhận chuyển nhượng từ các hộ dân khai hoang, UBND xã Tân Xã đã báo cáo đầy đủ về nguồn gốc hợp pháp của diện tích đất mà hộ ông Dũng được bồi thường. Nhưng phải gần 5 năm gõ cửa kêu cứu khắp nơi, ông Dũng mới được nhận nốt số tiền 1,7 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ sau khi Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất không tìm được lý do gì để kéo dài thêm thời gian “câu lưu” khoản tiền này.

            (Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư