Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng
Nguyễn Lê - 12/09/2024 08:26
 
Chưa bao giờ là việc dễ, song thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng trong kỳ báo cáo năm nay giảm mạnh về số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2023 là thực tế cần được quan tâm.
Trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả 5.169 tỷ đồng

Đã chủ động, nhưng kết quả vẫn thấp

Trong phiên họp thứ 37 dự kiến bắt đầu từ sáng mai (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Đây cũng là các nội dung đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 vừa qua. Như thường lệ, việc xử lý tài sản, thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được quan tâm, bởi đây vốn được coi là công việc vô cùng gian nan.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ khẳng định đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

“Bộ Tư pháp đã trao đổi, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, địa phương kịp thời hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan chức năng có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành từng vụ việc cụ thể”, báo cáo nêu.

Theo số liệu từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024, tổng số phải thi hành là 6.750 việc, tăng 2.210 việc (gần 49%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 5.215 việc (chiếm hơn 77%). Kết quả, đã thi hành xong 3.015 việc.

Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 95.570 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành trên 50.580 tỷ đồng (chiếm gần 53%). Kết quả, đã thi hành xong trên 12.156 tỷ đồng.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, tỷ lệ thi hành án xong về tiền đạt thấp (chỉ gần 32%), lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao.

Đáng chú ý là, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc, nhưng lại giảm mạnh về số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2023 (10 tháng năm 2023 thi hành xong 1.703 việc, thu trên 19.818 tỷ đồng).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Đỗ Đức Hồng Hà, đại diện Nhóm nghiên cứu còn cho biết, tình trạng vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, xử lý tài sản, vật chứng và quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án kéo dài qua nhiều năm, chậm được khắc phục, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự.

Cũng liên quan đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhóm nghiên cứu khác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra rằng, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi, nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.

Nhà đứng tên Phan Văn Anh Vũ chỉ 11 tỷ đồng, đấu giá 10 lần chưa ai mua

Nói về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, Chính phủ giải thích, tài sản phải xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, chủng loại đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều trường hợp chưa đủ thông tin, cơ sở pháp lý, nên việc xử lý mất nhiều thời gian.

Minh chứng, chỉ tính riêng 81 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đang tổ chức thi hành, đã có trên 3.500 tài sản phải xử lý, trong đó 1.226 tài sản là quyền sử dụng đất. Như vậy, trung bình phải xử lý 430 tài sản trong 1 vụ.

Một số vụ án thu hồi tài sản cao

Báo cáo của Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (số liệu từ 1/10/2023 - 31/7/2024) nêu một số vụ án tham nhũng, kinh tế thu hồi tài sản cao.

Như, vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị có liên quan, các bị can tự nguyện nộp 8.645 tỷ đồng.

Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả 5.169 tỷ đồng.

Vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh, thành phố, quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với số tiền 1.320 tỷ đồng…

Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định đặc thù trong xử lý tài sản để thu hồi cho Nhà nước; quy trình thủ tục thi hành án dân sự chưa bảo đảm tính đơn giản, hiệu quả.

Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Mai Lương Khôi cũng lý giải nguyên nhân thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng giảm mạnh về tiền so với năm trước.

Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. “Tài sản nào đủ điều kiện, đủ cơ sở pháp lý để xử lý, thì đều tập trung giải quyết dứt điểm”, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nêu rõ.

Song, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, rất nhiều tài sản trong các vụ việc đang tập trung xử lý còn vướng mắc, đặc biệt, rất khó khăn khi xử lý tài sản là đất có công trình xây dựng trái phép; nhiều thửa đất không xác định được ranh giới, giấy chứng nhận thì cấp trùng lắp…

“Trường hợp nhà số 31 - Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đứng tên Phan Văn Anh Vũ chỉ 11 tỷ đồng, mà tổ chức bán đấu giá tới 10 lần vẫn chưa ai mua”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp dẫn chứng.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chính phủ nêu rõ, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Chính phủ cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tất cả các tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải được Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát trực tiếp và có kết luận kiểm sát. Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc này.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn kiến nghị tăng cường thực hiện, hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm kịp thời thu hồi tài sản phạm tội tẩu tán ở nước ngoài…

Chính phủ cũng khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới.

Đã thi hành 24.211 tỷ đồng khoản nợ của các tổ chức tín dụng

Năm 2024, trong công tác thi hành án, Chính phủ xác định thi hành án tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành, như giao chỉ tiêu kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng không thấp hơn kết quả thi hành án nói chung của toàn hệ thống thi hành án dân sự.

Kết quả, tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng hơn 193.858 tỷ đồng (tăng 7.039 việc và trên 39.406 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Có điều kiện thi hành là 28.432 việc, tương ứng gần 129.000 tỷ đồng. Kết quả đã thi hành xong 4.513 việc, tương ứng trên 24.211 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đã thi hành xong hơn 77.133 tỷ đồng).
Trăn trở giải pháp căn cơ thu hồi tài sản tham nhũng
Không chỉ cần cơ chế thu hồi cả tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của nghi can tham nhũng, mà cần đổi mới cả chính sách hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư