Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản: Ngân hàng sẽ tháo gỡ riêng tùy từng trường hợp
T.L - 21/02/2023 14:11
 
Thống đốc NHNN cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng làm việc với từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, có thể bao gồm cả giãn nợ.

Tại hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Trước đó, NHNN cho biết khó cơ cấu nợ, giãn nợ cho riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản vì đây không phải là lĩnh vực ưu tiên, nếu giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản thì doanh nghiệp các ngành khác cũng đòi hỏi tương tự.

Tuy nhiên, NHNN nhận thấy Hội nghị vừa qua có nhiều ý kiến hay, đó là Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử về các giải pháp tháo gỡ riêng. Nếu Bộ Xây dựng phân loại, ngành ngân hàng cũng có cơ sở để thực hiện hỗ trợ.

Mới đây, ngân hàng Agribank là ngân hàng đầu tiên lên tiếng về việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bất động sản, bao gồm cả cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi vay (tối đa 3%) với doanh nghiệp bất động sản.   

Hiên nay, các doanh nghiệp bất động sản đang nợ ngân hàng khoảng 825.000 tỷ đồng và nợ các trái chủ khoảng hơn 400.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Chuyển nhóm nợ đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, khi áp lực trả nợ ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đến cùng lúc, song kênh các cánh cửa huy động vốn đều tắc nghẽn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, hiện nay,  nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50%, nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như không có người mua.

Trước tình cảnh hiện nay của doanh nghiệp, HoREA kiến nghị ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành thông tư mới, tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh… đều kiến nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, nhưng riêng tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản đã tăng 24,2%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao, khoảng 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.   

Quan điểm của NHNN là để hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững thì phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Về tín dụng, năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14 - 15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. NHNN cũng không có rooom riêng kiểm soát tín dụng cho bất động sản.

Đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc.

Với nguồn vốn từ tái cấp vốn, đây là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn trong 10 - 15 năm tới, có thể làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Vì vậy, đối với nguồn vốn cần tính toán tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…, cũng như phải dành nguồn vốn cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.

NHNN đã họp với 4 NHTM nhà nước, và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay (cho cả người xây dựng và người mua nhà) thấp hơn từ 1,5 - 2 % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. NHNN sẽ giao các đơn vị tổ chức, theo dõi, triển khai chương trình này. NHNN cũng sẽ thông báo cho các NHTM khác và nếu các ngân hàng khác tham gia gói này thì sẽ được nhiều hơn.  

Giãn nợ là lối thoát đầu tiên cho doanh nghiệp bất động sản
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay được cho là điểm nghẽn về tiền và chính sách. Do vậy, để giải quyết được vấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư