Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giao dịch ồ ạt, VN-Index "đỏ lửa" ngày 8/3
Tùng Linh - 08/03/2024 18:53
 
VN-Index giảm hơn 21 điểm với số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo, nhất là nhóm ngân hàng đồng loạt lao dốc và gây áp lực lớn. Tuy nhiên, thanh khoản lại tăng vọt. Khối ngoại bán ròng phiên thứ tư liên tiếp.
Chứng khoán lao dốc phiên 8/3.

Sau phiên chịu áp lực điều chỉnh ở quanh vùng kháng cự 1.280 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất tháng 9/2022, VN-Index đã phục hồi tốt trở lại ở vùng giá 1.260 điểm, nhưng vẫn đóng cửa dưới vùng 1.270. Vùng 1.260 - 1.270 điểm tạm thời tạo đỉnh ngắn hạn trong 3 phiên gần nhất.

Quán tính tăng điểm này được duy trì ngay khi mở cửa phiên 8/3. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường không duy trì được lâu khi áp lực bán tăng vọt ngay sau đó, sắc đỏ bao trùm lên đa số các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường, các chỉ số vì thế cũng lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Sự hồi phục trong phiên hôm nay tỏ ra khá yếu ớt khi lực cầu không mặn mà tham gia ở vùng giá cao.

Áp lực diễn ra mạnh hơn trong phiên chiều. Nhóm gây áp lực lớn nhất trong phiên hôm nay là ngân hàng khi ghi nhận hàng loạt cổ phiếu lao dốc. Trong đó, BID giảm đến 4,1% xuống 51.100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này cũng lấy đi của VN-Index nhiều nhất với 3,09 điểm. BID ngay đầu phiên dường như đã báo hiệu một ngày không tốt đẹp đối với cổ phiếu ngân hàng hay thị trường chung khi bất ngờ bị bán thẳng xuống mức giá sàn.

Bên cạnh đó, CTG giảm 3,6% xuống 34.500 đồng/cổ phiếu, TCB giảm 3,8% xuống 41.000 đồng/cổ phiếu, hai cổ phiếu này lấy đi lần lượt 1,72 điểm và 1,39 điểm. Hàng loạt các mã ngân hàng khác như TPB, LPB, MBB... đều giảm giá mạnh.

Đà giảm của thị trường lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Trong nhóm VN30, VNM cũng giảm đến 2,8%, MSN giảm trở lại 2,8% sau nhiều phiên giao dịch tích cực trước đó, VRE giảm 2,3%...

Tại nhóm chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ như VDS, FTS, VCI, SSI, BSI, HCM... cũng đều giảm trên 2% và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, không hẳn tất cả các cổ phiếu chứng khoán đều giảm mà vẫn có những mã đi ngược xu hướng như CTS hay AGR...

Có tính chất đầu cơ cao, nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài sự rung lắc của thị trường chung. DIG giảm 2,9%, HQC giảm 2,9%, CEO giảm 2,6%, NVL giảm 2,4%.

Ở chiều tích cực, các cổ phiếu tác động tốt nhất đến VN-Index phiên hôm nay có NAB, HVN, DCM, DGW, BCM, LGC... Trong đó, NAB đóng góp 0,26 điểm khi tăng đến 6,3%, HVN đóng góp 0,16 điểm. khi tăng 2,3%.

Một số cổ phiếu thuộc nhóm phân bón, bán lẻ... lại có biến động khá tích cực và nhiều thời điểm giúp tạo động lực cho thị trường có những nhịp phục hồi nhẹ trong phiên. Các mã thuộc nhóm phân bón có DCM tăng 3,2%, LAS tăng 2,5%, DDV tăng 2,4%... Tương tự, trong nhóm lương thực, PAN tăng 4% hay DBC tăng 1%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 21,11 điểm (-1,66%) xuống 1.247,35 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 408 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,44%) xuống 236,32 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 112 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,41%) xuống 91,23 điểm.

Thanh khoản tăng vọt với tổng giá trị ở sàn HoSE là hơn 32.500 tỷ đồng, tăng 30% so với phiên trước. Ở sàn HNX, giá trị giao dịch đạt 2.601 tỷ đồng và UPCoM là 770 tỷ đồng. VND phiên hôm nay khớp lệnh lên đến 65,5 triệu đơn vị, bật tăng rất mạnh ở đầu phiên nhưng do biến động xấu của thị trường chung nên đã về đóng cửa ở mức tham chiếu. MBB và HPG phiên hôm nay khớp lệnh lần lượt 49,4 triệu cổ phiếu và 47 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị ở mức 666 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng 50 tỷ đồng ở sàn HNX và bán ròng nhẹ 1,5 tỷ đồng ở sàn UPCoM. Dòng vốn ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM với giá trị 127 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VPB và KBC bị bán ròng lần lượt 106 tỷ đồng và 80 tỷ đồng. Các mã VND, SSI, CTG, SAB... cũng bị bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã KDH với 71 tỷ đồng. DGW cũng được mua ròng 64 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 4 - 8/3: Thị trường có xu hướng điều chỉnh, cần kiểm soát rủi ro
Với tuần tăng điểm mạnh, VN-Index vượt qua mốc 1.250 điểm, nhưng đà tăng có nhiều hưng phấn. Vùng điểm hiện nay cũng tiệm cận đỉnh tháng 8 -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư