Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Giới CEO chỉ mong thủ tục minh bạch
Linh An - 26/03/2015 08:37
 
Thách thức lớn nhất mà giới điều hành doanh nghiệp đang muốn được tháo gỡ nhanh vẫn là thủ tục hành chính và các quy trình thực hiện đầu tư – kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cải cách vì số doanh nghiệp làm ăn chân chính
Ngân hàng thương mại bị "nhắc nhở" vì thủ tục phiền hà
Doanh nghiệp soi sát chỉ tiêu cải cách
Tháo chốt hãm về thủ tục đầu tư xây dựng
Đơn giản hóa 13 nhóm thủ tục hành chính trong năm 2015

Câu chuyện 3 ngày có giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood mà bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó chủ tịch HĐQT kể lại có thể coi là một cách để trả lời một câu hỏi lớn mà Diễn đàn CEO 2015 đặt ra, đó là doanh nghiệp đang cần gì.

Các kế hoạch kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thực của môi trường kinh doanh

Bà Nguyệt kể, cuối tháng 1/2015, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng đã trực tiếp liên hệ với NutiFood để làm việc về địa điểm đầu tư.

“Ông ấy nói là biết tin chúng tôi đang đi tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy ở miền Bắc. Chỉ trong 3 ngày sau khi trình dự án, chúng tôi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định giao đất và ký hợp đồng thuê đất”, bà Nguyệt hồ hởi.

Giữa tuần trước, ngày 18/3, NutiFood đã khởi công xây dựng nhà máy công suất 200 triệu lít sữa tưới/năm, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng trên diện tích 10 ha. Đúng như câu của bà Nguyệt là “thật kinh ngạc!”.

Sau sự kinh ngạc này, bà Nguyệt cho biết NutiFood đang cùng với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cam kết phát triển đàn bò sữa tại Hà Nam, theo mô hình mà tỉnh này đang xây dựng trong vùng quy hoạch chăn nuôi chạy dọc theo 45 km sông Hồng, sông Châu Giang và phía Tây sông Đáy.

Có thể thấy, công khai, minh bạch là mong muốn mà các CEO của không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các tập đoàn lớn của nước ngoài khi chia sẻ với chủ đề Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh mà Diễn đàn CEO năm 2015 đặt ra. Bởi, những hành động tiếp sau sự minh bạch này thường là những kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới.

Ngay cả ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam mặc dù nhấn mạnh đến sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài với các cơ hội để Việt Nam chuyển mình, như tham gia và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng loạt văn bản mới với tư duy cải cách sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2015…, song cũng thẳng thắn cho rằng, nếu không có cách tiếp cận thực tiễn và minh bạch tới các cơ hội đầu tư, nhà đầu tư quốc tế sẽ tìm kiếm cơ hội ở chỗ khác.

“Mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện là rủi ro trong tuân thủ quy định; thẩm định pháp lý; cơ chế quản trị và kiểm soát xung đột”, ông Marc Townsend nói.

Với hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đang được dự kiến sẽ sôi động hơn trong năm nay, ông Marc Townsend cũng nhắc tới những thách thức chưa được giải quyết liên quan đến việc định giá, nguồn vốn, sự minh bạch và kinh nghiệm trong các quy định.

Hiện tại, một số thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản đang trong giai đoạn thương lượng như việc Lemongrass Master Fund muốn mua căn hộ dịch vụ Indochine Park Tower tại TP.HCM của Mulpha International Bhd hay vụ Aeon Mall đang thương lượng với Aseana Properties JV Hoa Lâm để mua lại Aeon Bình Tân với diện tích 47.000 m2 tại TP.HCM… Tiến độ và chất lượng của các thương vụ này đang phụ thuộc rất lớn vào những cải thiện tiếp tục trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trao đổi với giới CEO cũng như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có mặt trong Diễn đàn CEO 2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã điểm lại  hàng loạt vấn đề mà các doanh nghiệp đã từng nhắc tới trong các khảo sát điều tra, đó là những than phiền về chi phí đăng ký, chí phí thời gian và sự không nhất quán trong chính sách. “Các doanh nghiệp cũng chưa nhận thấy sự bình đẳng trong sân chơi giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vì những doanh nghiệp này vẫn được ưu đãi hơn về đất đai, vốn, hợp đồng”, bà Kwakwa nói.

Đây là lý do bà cho rằng, nỗ lực nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh của Chính phủ là rất lớn, nhưng điều doanh nghiệp cần vào lúc này tiếp tục là tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư