Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Giữ nguyên hay nâng mức thuế GTGT được hoàn
Mạnh Bôn - 28/05/2013 17:47
 
Giữ nguyên hay nâng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) được hoàn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi tại Hội trường vào chiều 28/5.
TIN LIÊN QUAN

Theo Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, cơ sở kinh doanh nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Trường hợp lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ hết và có số thuế còn lại từ 500 triệu đồng trở lên (hiện tại là 200 triệu đồng) thì được hoàn thuế.

Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 500 triệu đồng (hiện tại là 200 triệu đồng) trở lên thì được hoàn thuế.

Đồng tình với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình, bà Nguyễn Thanh Hải, ông Dương Quang Sơn, ĐBQH tỉnh Bắc Cạn cho rằng, quy định như trong Dự thảo gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh tài chính của doanh nghiệp cạn kiệt, vay vốn ngân hàng khó khăn, nếu nâng mức thuế GTGT lên 500 triệu đồng mới được hoàn thuế sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Sơn phát biểu.

Theo ông Sơn, nên giữ nguyên mức thuế GTGT được hoàn thuế là 200 triệu đồng và giảm thời gian hoàn thuế chưa được khấu trừ hết xuống 6 tháng hoặc 2 quý thay vì 12 tháng hoặc 4 quý.

Tham gia thảo luận nội dung này, ĐBQH Lê Đắc Lâm, Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Ngọc Hòa, Trần Văn Huynh cũng đồng tình với quan điểm giữ nguyên số thuế GTGT được hoàn là 200 triệu đồng và giảm thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp đối với số thuế chưa được khấu trừ hết xuống tối đa còn 6 tháng.

Nhiều ĐBQH cho rằng, nếu nâng mức thuế được hoàn và kéo dài thời gian được hoàn thuế chẳng khác nào hành vi ngân sách chiếm dụng vốn của doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, thuế GTGT do người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ thu hộ, nhưng trên thực tế doanh nghiệp phải ứng tiền để nộp thuế sau đó mới được ngân sách hoàn lại. Vì vậy, nếu nâng số tiền lên 500 triệu đồng mới được hoàn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi hầu hết số tiền này là nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.

“Nếu nâng lên mức 500 triệu đồng mới được hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp có khi đến nửa năm hoặc cả năm chưa đạt được mức 500 triệu đồng để được hoàn thuế, như vậy sẽ khiến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp bị chôn lại”, ông Hòa phân tích.

“Cần phải giảm thời gian hoàn thuế số thuế chưa khấu trừ hết xuống còn 6 tháng hoặc 2 quý để tránh tình trạng ngân sách chiếm dụng vốn của doanh nghiêp trong hoàn cảnh doanh nghiệp cũng chẳng dư giả gì”, ông Hòa nói thêm.

Tuy nhiên, những quan điểm trên không nhận được sự đồng tình của ĐBQH tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm.

Ông Lâm đề nghị nâng mức thuế GTGT được hoàn lên 1 tỷ đồng. “Mức thuế GTGT được hoàn là 200 triệu đồng đã được áp dụng cách đây gần 10 năm. Từ đó đến nay, số thu ngân sách từ thuế đã tăng gấp mấy lần, chỉ số giá tiêu dùng cũng đã tăng mấy lần, quy mô, vốn liếng của doanh nghiệp cũng tăng khá nhiều, vì thế cần phải nâng mức tiền được hoàn lên, ít nhất là 1 tỷ đồng”, ông Lâm phát biểu.

Một lý do nữa để tăng số tiền thuế GTGT được hoàn, theo ông Lâm, với mức thuế GTGT lũy kế 200 triệu đồng trở lên đã được hoàn thuế khiến công việc của ngành thuế tăng lên rất nhiều lần, làm giảm hiệu quả thu ngân sách.

“Nếu nâng số tiền thuế GTGT được hoàn lên 1 tỷ đồng, áp lực công việc của ngành thuế sẽ giảm 20-30%, tạo điều kiện cho ngành thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ người nộp thuế chấp hành đúng pháp luật về thuế”, ông Lâm nói thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư