Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Go-Viet tham vọng vẽ lại “bản đồ” ứng dụng công nghệ
Bảo Minh - 20/09/2018 09:02
 
Sau 6 tuần hoạt động thí điểm tại TP.HCM, ứng dụng đa dịch vụ Go-Viet tham vọng vẽ lại “bản đồ” hệ sinh thái ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Tham vọng

Ngay trong lễ ra mắt chính thức tại Hà Nội tuần qua, ông Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập, Tổng giám đốc Go-Viet cho biết, ứng dụng Go-Viet được thiết kế hoàn toàn cho thị trường Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng và kết nối vận tải chỉ là một trong những tiện ích của ứng dụng đa năng này.

.
.

Công ty TNHH Go-Viet gồm 3 cổ đông chính là Go-Jek (Indonesia) và 2 cá nhân người Việt Nam. Trong đó, Go-Jek đảm nhận vai trò cung cấp kỹ thuật, tài chính để triển khai, các cá nhân Việt Nam sẽ tuyển dụng, vận hành và phát triển các ứng dụng tại Việt Nam.

Ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek cho biết, Việt Nam là thị trường ngoại đầu tiên nằm trong chiến lược mở rộng ra quốc tế của Go Jek với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để phát triển thị trường tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. “Indonesia và Việt Nam có chung tầm nhìn về phát triển kinh tế số. Mục tiêu của Go-Jek là hợp tác cùng Go-Viet để phát triển công nghệ xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh riêng cho thị trường Việt Nam”, ông Andre Soelistyo nói.

Tuy nhiên, theo ThS. truyền thông Nguyễn Khắc Giang, thị trường công nghệ là một cuộc chơi khốc liệt. Ông Giang nhận định, Go-Viet, với sự hậu thuẫn của Go-Jek, có thể trở thành đối thủ xứng tầm của các ứng dụng gọi xe công nghệ ở thị trường Đông Nam Á.

Cơ chế linh hoạt

Về kế hoạch phát triển các ứng dụng này tại Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Đức cho biết, Go-Viet sẽ hoạt động theo cơ chế linh hoạt. Tại các thành phố lớn, có thể Go-Viet sẽ lần lượt ra mắt đầy đủ bộ ứng dụng giống Go-Jek, nhưng tại các địa phương khác thì tùy theo hạ tầng và đối tác bản địa, Go-Viet sẽ phát triển ứng dụng phù hợp.

Theo các chuyên gia, “xương sống” của hệ sinh thái ứng dụng công nghệ chính là ví điện tử. Bằng chứng là ngay khi Go-Viet sắp ra mắt, Grab đã nhanh chóng hoàn tất việc nắm cổ phần chi phối ví điện tử Moca để chính thức hoàn thiện mảng ghép còn thiếu của chiến lược phát triển hệ sinh thái.

Về phía Go-Viet, bà Nguyễn Bảo Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách tăng trưởng Go-Viet nhấn mạnh, nguyên tắc của Go- Viet là linh hoạt. “Chúng tôi đang xem xét khả năng xin giấy phép và không loại trừ khả năng hợp tác toàn diện hoặc một phần với các đối tác đang nắm giữ ví điện tử trên thị trường”, bà Linh nói.

Tại “Ngày hội doanh nghiệp và công nghệ 2018”, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft nhận định, với dân số hơn 93 triệu người, trong đó có hơn 58 triệu thuê bao Internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo..., Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Điều này lý giải vì sao Việt Nam là điểm đến của nhiều “đại gia” công nghệ.

ThS. Nguyễn Khắc Giang cho rằng, trong cơ chế thị trường, cạnh tranh là tất yếu và giúp loại bỏ độc quyền, nhưng cạnh tranh chỉ công bằng khi diễn ra trong khuôn khổ pháp lý ổn định, tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp phát triển. “Nhà nước có vai trò thiết kế luật chơi để đảm bảo thị trường luôn đảm bảo tính cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ khó khăn, không ít áp lực, nhưng thực sự cần thiết để thị trường minh bạch, phát triển đúng định hướng và quan trọng nhất là quyền lợi người tiêu dùng luôn được đảm bảo”, ông Giang nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư