Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
GrabShare – chìa khóa giải bài toán ùn tắc giao thông
Bảo Giang - 10/05/2017 21:12
 
Tối qua 9/5/2017, Grab - ứng dụng đặt xe công nghệ hàng đầu Đông Nam Á, đã chính thức ra mắt dịch vụ GrabShare tại TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

Đây là dịch vụ đi chung xe trên ứng dụng di động đầu tiên có mặt tại Việt Nam và hứa hẹn là giải pháp chủ động để giải bài toàn ùn tắc thông qua việc gia tăng giá trị chia sẻ trong di chuyển hiện đại.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Jerry Lim, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết, có 3 hiệu ứng nổi trội của GrabShare.

Thứ nhất, với khách hàng GrabShare tận dụng nền tảng dịch vụ có sẵn của GrabCar, cho phép hành khách tận hưởng chi phí rẻ hơn lên đến 30% so với dịch vụ GrabCar thông thường.

Thứ hai, ở góc độ đối tác, tiện ích này sẽ giúp đối tác tài xế tăng thêm thu nhập tối thiểu 15% nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

Thứ ba, với địa phương, thông qua việc khuyến khích hành khách chia sẻ hành trình, GrabShare giúp tăng hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.

.
GrabShare trở thành dịch vụ vận chuyển thứ 4 của Grab tại Việt Nam.

Tán đồng quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, tiện ích mới của Grab phù hợp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải trong việc ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong cải cách phương thức vận tải theo hướng không tăng khối lượng phương tiện, tối ưu hóa nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, từ đó tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Tôi rất hoan nghênh tính năng mới của Grab, đây có thể là “chìa khoá” giải quyết nạn xe dù, bến cóc tại các đô thị lớn như TP.HCM; Hà Nội. Do vậy, tôi đề nghị Grab làm việc sớm với Bộ Giao thông - Vận tải để phối hợp xây dựng và hoàn thiện các giải pháp công nghệ để hỗ trợ các thành phố lớn giải quyết các vấn nạn giao thông”.

Cũng theo ông Hùng, hiện các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang đau đầu về tình trạng xe "dù", bến "cóc", tính năng GrabShare của Grab là một gợi ý rất tốt cho Bộ Giao thông - Vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các địa phương nghiên cứu, xem xét để quản lý xe hợp đồng và xe du lịch hiện nay, gúp minh bạch trong thị trường vận tải, tạo cạnh tranh lành mạnh.

Trở lại giải pháp GrabShare, ông Jerry Lim cho biết, tận dụng nền tảng dịch vụ sẵn có của GrabCar, GrabShare trở thành dịch vụ vận chuyển thứ 4 của Grab tại Việt Nam bên cạnh các dịch vụ vận chuyển hiện có gồm GrabTaxi và GrabBike. GrabShare cũng là một minh chứng cho cam kết của Grab trong việc phát triển các giải pháp vận chuyển đặc thù với điều kiện địa phương, nhằm giải quyết những thách thức về giao thông và cải thiện cuộc sống của người dân.

Được lên ý tưởng, thiết kế và phát triển tại khắp 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Grab ở Singapore, Seattle và Bắc Kinh, thuật toán kết hợp của GrabShare đảm bảo hành khách sẽ đến điểm đến trong thời gian ngắn nhất có thể. Thuật toán này sẽ tính toán và xác định việc ghép hành khách dựa trên phân tích các yếu tố như tài xế sẵn có gần nhất, thời gian di chuyển, các tuyến đường trùng nhau, quãng đường đi vòng và điều kiện giao thông ở thời điểm đặt xe trước khi bắt đầu trình tự đón khách và trả khách.

Bình luận về tinh khả thi của giải pháp này trong giải quyết vấn nạn giao thông đô thị, TS – kiến trúc sư Kim Cương chia sẻ, điều khó khăn nhất khi áp dụng tại Việt Nam là thói quen đi xe taxi một mình hay cùng người thân đã ăn sâu vào tâm lý mỗi người dân, vì họ sợ phải sẻ chia, sợ không đảm bảo tính riêng tư, ái ngại vì không quen... Do đó, mô hình đi chung xe bằng dịch vụ GrabShare sẽ phải có cách tiếp cận trên cơ sở hiểu rõ đặc điểm này để có giải pháp phù hợp nhất. Có thể thí điểm từng khu vực, đặc biệt khu vực thường xuyên kẹt đường để họ thấy cái lợi khi đi chung xe sẽ giảm bớt xe cá nhân, giảm ùn tắc; đưa ra các thông tin liên quan về tiết kiệm chi phí, các ưu điểm khác trên từng chuyến xe để hành khách hiểu rõ về cái lợi của dịch vụ này…

“Dịch vụ khách hàng, giám sát hành trình ra sao, thậm chí đặc điểm chi tiết nhận dạng và kết cấu xe cũng phải cải tiến phù hợp. Hay nhất nên có thời gian thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm để bổ sung về pháp lý, quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật, để phát triển có lộ trình rõ ràng. Đưa ra cái gì tốt cho xã hội, cho phát triển bền vững đô thị, cho người dân..., chắn chắn sẽ được số đông đồng tình ủng hộ”, tiến sĩ – kiến trúc sư Kim Cương góp ý và nhận định.

Ra mắt đầu tiên tại Singapore vào tháng 12/2016, GrabShare đã nhanh chóng được triển khai tiếp tục tại Philippines, Malaysia và Indonesia. GrabShare đã chứng tỏ hiệu quả tích cực trong việc thu hút thêm nhiều người dùng mới tham gia di chuyển trên nền tảng ứng dụng Grab.

Chỉ sau 5 tháng kể từ ngày ra mắt, Grab đã thực hiện hơn 8 triệu cuốc xe GrabShare với tổng chiều dài vận chuyển lên đến 72 triệu kilomet. Cùng với sự hưởng ứng của hành khách dành cho GrabShare, Grab cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ ghép hành khách, lên đến 50% tại 3 thành phố mới ra mắt GrabShare trong năm 2017. GrabShare cũng giúp thu nhập hàng tháng của các đối tác tài xế tăng trung bình khoảng 15%.

Sau TP.HCM, GrabShare sẽ được thử nghiệm tại Hà Nội để góp phần giảm ùn tắc giao thông và mang đến nhiều lựa chọn di chuyển tiết kiệm cho khách hàng. Dự kiến triển khai chính thức vào tháng 6/2017, Hà Nội sẽ là thành phố thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có dịch vụ đi chung xe GrabShare.

Hiện nay, Grab đang hoạt động tại 50 thành phố tại 7 quốc gia, bao gồm việc vừa triển khai hoạt động tại Yangon, Myanmar, với hơn 870.000 đối tác tài xế trong mạng lưới. Với hơn 43 triệu lượt tải ứng dụng Grab xuống điện thoại di động tính đến nay, Grab đang mở rộng sang lĩnh vực thanh toán di động với GrabPay, nền tảng thanh toán được tích hợp ngay trong ứng dụng Grab. Gần đây, Grab cũng vừa công bố mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP.HCM nhằm thu hút những tài năng công nghệ tại Việt Nam, đồng thời mang đến cơ hội làm việc và phát triển cho các kỹ sư trong nước.

Để đưa hành khách đến điểm đến một cách nhanh chóng, GrabShare thực hiện ghép cặp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển vào cùng một chuyến xe. Hành khách sẽ chỉ trải qua tối đa 2 điểm dừng trước khi đến điểm đến mong muốn của mình. Ví dụ, nếu hành khách A bắt đầu chuyến xe và được ghép cặp với hành khách B, tùy thuộc vào tuyến đường nào di chuyển hiệu quả hơn, hành khách A có thể đến điểm dừng đầu tiên để đón hành khách B và di chuyển đến điểm dừng thứ 2 cũng là điểm đến của hành khách B.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư