Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội “nợ” mặt bằng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vỡ tiến độ
Anh Minh - 16/05/2018 08:00
 
Không chỉ liên tiếp phá vỡ mốc tiến độ Dự án BOT Nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, việc UBND TP. Hà Nội “nợ” dây dưa mặt bằng thi công còn tạo ra nhiều điểm xung đột giao thông nguy hiểm trên tuyến cao tốc cửa ngõ Thủ đô.
TIN LIÊN QUAN

Những “chiếc dằm” sâu

Cho đến thời điểm này, mốc tiến độ hoàn thành Dự án BOT Nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội giai đoạn II vào ngày 30/6/2018 chính thức bị phá vỡ, mặc dù doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành hơn 92% khối lượng thi công trên chính tuyến.

“Đoạn đường đang chờ GPMB” với mặt đường bị thắt đột ngột dễ xảy ra các vụ đâm xe liên hoàn. Ảnh: Anh Minh
“Đoạn đường đang chờ GPMB” với mặt đường bị thắt đột ngột dễ xảy ra các vụ đâm xe liên hoàn. Ảnh: Anh Minh

Hiện tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - cửa ngõ phía Nam của Hà Nội đã cơ bản được mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe, sơn kẻ chuẩn chỉ, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông êm thuận với vận tốc 120 km/h. 

Tuy nhiên, trên tuyến chính của Dự án vẫn còn nhiều đoạn, mặt đường chỉ có 4 làn xe, chưa thể  mở rộng lên 6 làn như thiết kế và đang phải rào chắn vì chờ mặt bằng thi công. Điển hình là khu vực tuyến cao tốc đi qua địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội), cứ vài cây số lại xuất hiện một biển cảnh báo: “Đoạn đường đang chờ GPMB (giải phóng mặt bằng - PV)”, với mặt đường bị thắt đột ngột. 

Các vị trí còn vướng mặt bằng tương đương 12 điểm thắt trên tuyến, thuộc địa phận 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Những điểm thắt chưa thể thi công do vướng mặt bằng này như những chiếc dằm đâm sâu vào mặt đường khiến các phương tiện lưu thông qua đây liên tục phải giảm tốc độ đột ngột, rất dễ xảy ra các vụ đâm xe liên hoàn. 

Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, theo chỉ đạo mới nhất được UBND TP. Hà Nội đưa ra vào cuối tháng 3/2018, tất cả các công việc liên quan đến công tác GPMB để thi công đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ phải hoàn thành trong tháng 4/2018. Mặc dầu vậy, hơn 1 tháng, kể từ khi lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đưa ra tối hậu thư cho UBND 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên, trên tuyến chính còn vướng 2,4 km và 5,3 km đường gom chưa có mặt bằng để thi công. 

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên UBND TP. Hà Nội lỡ hẹn bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Dự án. Tính từ khi công trình trọng điểm quốc gia này được khởi động vào  quý III/2014, UBND TP. Hà Nội đã 9 lần yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện công tác GPMB, tuy nhiên, các mốc thời gian đưa ra đều không đúng với tiến độ. Điều này khiến tiến độ thi công giai đoạn II Dự án trở thành những “kế hoạch ảo”.

Theo hợp đồng được ký giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và nhà đầu tư, Dự án BOT Đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn II sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 trên cơ sở công tác GPMB hoàn thành vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt bằng, nên Bộ GTVT buộc chấp thuận gia hạn tiến độ của Dự án đến 30/6/2018.

Trong nỗ lực để cứu tiến độ, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang phải phối hợp với các nhà thầu làm việc với địa phương và các hộ dân để thuê đất phục vụ thi công, trong đó, 2 vị trí sẽ hoàn thành phần mở rộng trong tháng 5/2018; 2 vị trí mới mượn được mặt bằng để thi công đến lớp cấp phối đá dăm.

Điều đáng nói là, trong số 8 vị trí vướng mắc chưa thể thi công tại Dự án đều là các vị trí phải xử lý kỹ thuật phức tạp, thời gian thi công có thể phải mất tới 4 tháng mới có thể hoàn thành. 

Ông Đinh Văn Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - đơn vị thi công gói thầu số 16 cho biết, chi phí cho việc phải duy trì 2 dây chuyền thi công suốt hơn 1 năm qua để chờ bàn giao 200 m mặt bằng đang thực sự trở thành gánh nặng lớn cho nhà thầu.

Nguy cơ mãn tải

Để gỡ khó cho nhà đầu tư, trong cuộc kiểm tra hiện trường Dự án vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tập trung giải quyết, xử lý các điểm còn vướng mắc trên cả tuyến chính và đường gom. 

“Các đơn vị phải cùng nhau xem xét từng vị trí, thống nhất cách làm, khẩn trương xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc”, Bộ trưởng nói và cho biết, nếu người dân thắc mắc về giá, phải căn cứ vào chính sách theo quy định, rà soát kỹ lưỡng, cái nào thuộc thẩm quyền của TP. Hà Nội, chính quyền địa phương báo cáo TP. Hà Nội giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền, TP. Hà Nội cần báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý. 

“Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ làm về chuyên môn, còn toàn bộ chính sách về đền bù GPMB, Chính phủ đã giao cho địa phương thực hiện. 12 điểm còn vướng mắc mặt bằng phải tổ chức họp ngay, cần rà soát lại từng điểm xem vướng gì, thẩm quyền của ai, hướng xử lý thế nào, từ đó đưa ra kế hoạch hoàn thành cụ thể cho từng vị trí”, Bộ trưởng cho biết.  

Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ cố gắng bàn giao hết mặt bằng tại huyện Thanh Trì vào ngày 30/6/2018, Thường Tín là 30/7/2018, huyện Phú Xuyên - 30/6/2018.  Như vậy, trong trường hợp, mốc tiến độ GPMB không thêm một lần thất hứa, Dự án BOT Đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ có thể hoàn thành việc mở rộng lên 6 làn xe, hoàn thành hệ thống đường gom hai bên vào trước Tết Âm lịch năm 2019.

“Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi Dự án này dư dả kinh phí thi công và GPMB. Chúng tôi sẵn sàng ứng kinh phí để các địa phương hoàn thành sớm các khu tái định cư và chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, ông Nhận cho biết.

Ngoài GPMB, một áp lực lớn đang đè nặng lên vai nhà đầu tư và cơ quan quản lý đường bộ tại Dự án là tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua tuyến đường này tăng đột biến kể từ khi giai đoạn I - nâng cấp mặt đường được hoàn thành vào tháng 9/2015,

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được thiết kế tương ứng với mức độ phục vụ loại D. Theo đó, mức độ mãn tải đối với mặt cắt 6 làn xe của tuyến đường tương ứng với tổng xe con quy đổi tương đương khoảng 92.000 (PCU/ngày đêm).

Tính đến đầu tháng 5/2018, tại đoạn tuyến Pháp Vân - Thường Tín lưu lượng xe bình quân đã đạt khoảng 75.000 (PCU/ngày đêm), thậm chí lên đến 85.000 PCU vào những dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần và sẽ tiệm cân với mức mãn tải nêu trên vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng vượt xa dự báo như vậy, thời gian hoàn vốn Dự án sẽ được rút ngắn từ 15 năm 6 tháng xuống còn dưới 12 năm.

“Do hợp đồng BOT Dự án là loại hợp đồng mở - thời gian hoàn vốn sẽ được điều chỉnh theo mức tăng trưởng phương tiện, nên ngoài lợi nhuận định mức, nhà đầu tư không được hưởng lợi gì thêm. Tuy nhiên, lưu lượng xe tăng quá nhanh đang gây áp lực lớn cho hoạt động thu giá dịch vụ của nhà đầu tư”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết.

Xác nhận thông tin trên của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh thêm về nguy cơ mãn tải sớm đối với tuyến cao tốc này là rất rõ, dù vừa mới mở rộng lên 6 làn xe. 

Dự án BOT Đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư 6.269 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn I - nâng cấp mặt đường là 1,531 tỷ đồng; giai đoạn II mở rộng quy mô từ 4 làn xe lên 6 làn xe là 4.737 tỷ đồng.

Để tránh ùn tắc, nhà đầu tư đã kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội sớm mở rộng, hoàn chỉnh nút giao Pháp Vân; hoàn thành tuyến đường kết nối đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường 70 và đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng toàn bộ các làn xe đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ  và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

“Do đây là tuyến thu giá liên thông, nhưng lại thuộc 2 dự án khác nhau nên để hoàn thành lắp đặt thu phí tự động trên tất cả các làn hoàn thành trong năm 2018, cần có sự phối hợp của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam - chủ đầu tư tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và các cơ quan liên quan”, ông Khôi nói.

Liên quan đến kiến nghị của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu hướng đầu tư đồng bộ nút giao Pháp Vân, trong đó cân nhắc ghép hạng mục này vào Dự án BOT đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và phối hợp với UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định. 

“Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng lớn và có mức độ tăng trưởng ngày càng tăng do mạng lưới đường bộ hỗ trợ, giảm tải tuyến cao tốc này chưa đồng bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nghiên cứu đề xuất điều chỉnh sớm quy hoạch cho phù hợp theo hướng xây dựng thêm một tuyến cao tốc song hành, hoặc chạy trên cao tuyến cao tốc hiện hữu”, ông Thể chỉ đạo.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp - Vân Cầu Giẽ, nhà đầu tư Dự án Nâng cấp mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho rằng, đây là công trình có doanh thu thu giá dịch vụ tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, trước đây, dù được Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản ưu tiên, hỗ trợ với nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng nhà đầu tư Nexco Central (Nhật Bản) vẫn quyết định từ chối cơ hội tham gia đầu tư dự án này. Trong cuộc gặp với ông Khôi mới đây, Trưởng đại diện Nexco Central tại Việt Nam vẫn cho rằng, “đó là quyết định đúng”. 

“Đối với một nhà đầu tư nước ngoài, GPMB thực sự là một gánh nặng quá lớn và đó là rủi ro khiến họ khó có thể tự giải quyết”, ông Khôi nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư