Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội phát triển các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao
Phương Linh - 31/01/2024 11:00
 
Với gần 90.000 ha mỗi vụ, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn của cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã khuyến khích các địa phương phát triển cánh đồng mẫu lớn, lựa chọn các giống lúa chất lượng tốt vào sản xuất.

Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa tập trung

Cùng với việc tích cực phát huy hiệu quả canh tác, nâng cao giá trị lúa gạo Thủ đô trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành Nông nghiệp Thủ đô còn hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Hiện tại, Hà Nội có khoảng 160.000 ha sản xuất lúa. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng, an toàn VietGAP, hữu cơ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn, hướng tới xuất khẩu.

Là hộ gia đình đã trồng lúa theo hướng VietGAP từ lâu, gia đình bà Ngô Thị Mai Hoa tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho biết, vụ xuân 2023 gia đình bà cấy 3 sào lúa chất lượng cao TBR225 theo hướng an toàn, đây là giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên giảm được khá nhiều công chăm sóc. Kết quả cho thấy, năng suất lúa trồng theo hướng VietGAP đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, tại xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa), ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, cả xã có hơn 400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng lúa và rau màu. Những năm qua, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, 100% diện tích lúa gieo cấy của xã là giống chất lượng cao và chủ yếu là giống J02. 

Nhân rộng mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Ông Cường cho biết, trong quá trình sản xuất trừ tất cả chi phí và nhân công, cấy giống lúa J02 lãi khoảng 29 - 30 triệu đồng/ha/vụ và giống Đài Thơm 8, TBR225, HD11 lãi 25 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp đôi so với giống lúa truyền thống, như: Khang dân, Q5…

Thực hiện Quyết định số 5242/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích khoảng 40.000 ha, mỗi vùng có diện tích từ 50 ha trở lên và có những vùng lên tới hơn 300 ha.

Bà  Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp thông tin, để mở rộng vùng lúa chất lượng cao, trong năm 2023, trung tâm xây dựng thêm được 21 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 20 xã, thuộc 7 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích 1.375 ha, bao gồm: 60 ha lúa theo hướng hữu cơ, 5 ha lúa thảo dược, 730 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 580 ha lúa an toàn. 

Đồng thời, trung tâm xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể: “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh, huyện Thanh Oai”, đưa tổng số nhãn hiệu tập thể gạo Hà Nội lên 9 nhãn hiệu tập thể.

“Việc xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội không những cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Hà Nội sang các thị trường nước ngoài.”, bà Hoàng Thị Hòa cho hay.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư

Hiện nay, diện tích đất trồng lúa của Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa, thế nhưng quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, trình độ canh tác, nhất là trong thực hiện các biện pháp thâm canh lúa cải tiến của người dân còn hạn chế.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế đem lại, bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã có những vùng lúa gạo chất lượng cao, nhưng cơ sở hạ tầng như nhà máy sơ chế, đóng gói, tập kết kho còn quá nhỏ lẻ. Trong khi đó, để có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Australia… lúa gạo Hà Nội phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm…. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng khẳng định, Hà Nội cần tổ chức, quy hoạch các vùng lúa theo cánh đồng mẫu lớn, đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, tạo thành chuỗi giá trị.

Để hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân từ sản xuất lúa gạo, bà Nguyễn Thị Tíu, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) kiến nghị, các ngành chức năng cần hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu cho vùng lúa tập trung...

Trước những tiềm năng của lúa gạo Thành phố, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh: “Đối với diện tích lúa kém hiệu quả, kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác, diện tích còn lại sẽ quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Thành phố sẽ đầu tư và vận động các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi cho những vùng chuyên canh.”

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để đưa doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo cho nông dân.

Nhà nông phấn khởi thu lợi nhờ mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của PVCFC
Vừa qua, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - HOSE: DCM) đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao gắn với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư