Thứ Năm, Ngày 15 tháng 05 năm 2025,
Hải Phòng - Thành phố Anh hùng
Thanh Sơn - 14/05/2025 19:56
 
Năm 2025, Hải Phòng vinh dự đón nhận danh hiệu Thành phố Anh hùng - một biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất và trung dũng quyết thắng. Đây là niềm tự hào, là điểm tựa để Thành phố vững vàng bước vào kỷ nguyên mới cùng đất nước.
Hải Phòng liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc hàng cao nhất cả nước, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Hồng Phong

Lịch sử oai hùng

Hải Phòng là vùng đất “đầu sóng, ngọn gió”, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thành phố cảng có nhiều cửa sông quan trọng đổ ra biển với hơn 300 đảo lớn, nhỏ, trong đó các đảo Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ giữ vị trí quan trọng tại Vịnh Bắc bộ.

Nhìn lại lịch sử hình thành, ngay từ cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, với tư cách là “Cảng lớn của Bắc Kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp, Hải Phòng đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống lại sự áp bức của thực dân Pháp.

Vì thế, Hải Phòng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng cả nước trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Hải Phòng - Kiến An là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Ngày 12/7/1945, nhân dân Kim Sơn (Kiến Thụy) vùng lên kháng Nhật thắng lợi. Tiếng trống Kim Sơn đã mở đầu cho quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở vùng duyên hải Bắc bộ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Song thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 20/11/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng. Toàn thể Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm sâu, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “đường 5 anh dũng”, “đường 10 quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”..., góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau ngày Thành phố được giải phóng (13/5/1955), Hải Phòng tiếp tục khẳng định và xây dựng trở thành cửa khẩu giao thương quốc tế duy nhất bằng đường biển, trung tâm công nghiệp, “pháo đài thép” bên bờ biển Đông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. TP. Hải Phòng tự hào là nơi mở đầu phong trào xây dựng Tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa từ Nhà máy Xi măng, phong trào thi đua “sóng Duyên Hải” từ Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 9 lần.

Đầu những năm 1960, Hải Phòng lại đi đầu góp phần dấy lên phong trào thi đua ái quốc sôi nổi trên toàn miền Bắc như “sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý”. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Phòng là cửa ngõ tiếp nhận hàng viện trợ quốc tế, là căn cứ xuất phát của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Với vị trí quan trọng đặc biệt, nên trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, Hải Phòng là một trọng điểm ác liệt. Rồi 12 ngày đêm năm 1972, Thành phố cảng cùng Thủ đô Hà Nội lập nên trận Điện Biên Phủ trên không oanh liệt.

Khi tổng kết hai cuộc kháng chiến, nhiều nhà máy, xí nghiệp, cảng, đơn vị, khu phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến năm 1980, Hải Phòng có Nghị quyết 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Đây là chủ trương “xé rào” khi đó. Và Hải Phòng đã thực hiện thành công mô hình này với Hợp tác xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy), để rồi không lâu sau, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Từ đó, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Từ khi đất nước thống nhất, nhất là trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng sáng tạo ra cơ chế khoán trong nông nghiệp, phương châm về công tác dân vận “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, phong trào “xóa nhà tranh, vách đất”..., quyết tâm “đào kênh lấn biển mở cơ đồ” hướng tới tương lai.

Hải Phòng - xứng danh Thành phố Anh hùng

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, trong gần 2 thập kỷ trở lại đây, Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng, gồm Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo cơ sở cho Hải Phòng tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Với vị trí chiến lược, Hải Phòng là cửa ngõ giao thương quốc tế của miền Bắc, kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải toàn cầu qua hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông hiện đại như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Sân bay quốc tế Cát Bi, cầu Bạch Đằng... đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố bứt phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vùng.

Chúng ta có quyền tự hào khi đã thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ, khi Bác về thăm Hải Phòng ngày 20 - 21/10/1946: “Mọi người đồng tâm hiệp lực, chắc chắn, TP. Hải Phòng trở thành một thành phố gương mẫu của cả nước”.

- Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Hải Phòng được Bộ Chính trị xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Về quốc phòng, an ninh, TP. Hải Phòng nằm trên hướng phòng thủ chiến lược của Quân khu 3 từ biển vào Thủ đô Hà Nội.

Những năm gần đây, Hải Phòng liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc hàng cao nhất cả nước, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp như DEEP C, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ... đã thu hút hàng loạt tập đoàn lớn như LG, Pegatron..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.

Quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. Quy mô năm 2024 đạt hơn 119.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước và gấp 2,34 lần năm 2020, gấp 3,4 lần năm 2015 và 5,16 lần năm 2010. Là địa phương duy nhất cả nước tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp. Với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao gấp 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm).

Cơ cấu nền kinh tế Thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng. Công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tập trung hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Không chỉ phát triển kinh tế, Thành phố còn chú trọng xây dựng đô thị xanh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các dự án về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Hải Phòng trở thành một trong những thành phố kiểu mẫu trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Không chỉ thế, TP. Hải Phòng luôn đề cao, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng bản sắc Hải Phòng. Đến năm 2024, toàn Thành phố có 565 di tích được xếp hạng các cấp; có 12 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO vinh danh, cùng nhiều di sản tiêu biểu khác.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phấn khởi chia sẻ: “Ngày mai, Hải Phòng sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thành phố, đúng ngày kỷ niệm lịch sử (13/5/1955 - 13/5/2025). Đây là dịp để lãnh đạo, nhân dân Thành phố cảng, Thành phố Hoa Phượng Đỏ nhìn lại, đánh giá những thành tựu hết sức vẻ vang trong chặng đường đã qua”.

Hải Phòng đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số toàn diện. Đó chính là bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ không gian kinh tế, mô hình tăng trưởng đến kết cấu hạ tầng, quy hoạch vùng và quy hoạch thành phố, từ hiện đại hóa đô thị đến thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tất cả hướng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố cảng không chỉ là động lực tăng trưởng của phía Bắc, mà còn hướng đến mục tiêu trở thành đô thị cảng hàng đầu khu vực châu Á. Những bước đi vững chắc trên hành trình hiện đại hóa, bền vững sẽ giúp Hải Phòng khẳng định vai trò tiên phong, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, xứng đáng với danh hiệu Thành phố Anh hùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư