Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Hải Phòng có thành phố Thủy Nguyên, quận An Dương từ ngày 1/1/2025
Quỳnh Nga - 02/11/2024 22:52
 
Từ 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên trở thành là thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng và huyện An Dương chính thức thành quận.

Theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025; từ ngày 1/1/2025 TP. Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố; 167 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã.

Thành lập thành phố Thủy Nguyên

Theo Nghị quyết, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 7,27 km2 của phường Đông Hải 1, quận Hải An để nhập vào xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên. Huyện Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên 269,10 km2 và quy mô dân số 397.570 người; xã Thủy Triều có diện tích tự nhiên 18,99 km2 và quy mô dân số 13.901 người.

Thành lập TP Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 269,10 km2 và quy mô dân số 397.570 người của huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh theo quy định. TP Thủy Nguyên giáp các quận Hải An, Hồng Bàng, Ngô Quyền; tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh.

Một góc đô thị Thủy Nguyên.

Sau khi sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính, thành phố Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 04 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.

Trong phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phát triển TP. Hải Phòng theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” cùng cấu trúc không gian đô thị “Hai vành đai - ba hành lang - ba trung tâm và các đô thị vệ tinh”, trong đó Thủy Nguyên đóng vai trò quan trọng trong “Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ” và “Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm”.

Trung tâm Hành chính - Chính trị mới của TP Hải Phòng nằm trong khu đô thị Bắc sông Cấm,Thủy Nguyên.

Việc thành lập TP Thủy Nguyên sẽ tạo cơ hội và động lực để Thủy Nguyên tiếp tục khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, tương xứng là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của TP. Hải Phòng.

Các phân khu trên đảo Vũ Yên, Thủy Nguyên đang được hoàn thiện. Ảnh: Diamond Land

Thành lập quận An Dương

Theo nghị quyết, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân của xã Đại Bản, xã An Hồng và xã An Hưng thuộc huyện An Dương để nhập vào quận Hồng Bàng.

Thành lập quận An Dương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 78,96 km2 và quy mô dân số là 171.227 người của huyện An Dương sau khi điều chỉnh.

Từ ngày 1/1/2025, huyện An Dương sẽ chính thức trở thành quận. 

Sau khi sắp xếp quận An Dương có 10 phường, gồm: An Đồng, An Hải, An Hòa, Đồng Thái, Hồng Phong, Hồng Thái, Lê Lợi, Lê Thiện, Nam Sơn và Tân Tiến. Quận An Dương có vị trí tiếp giáp các quận Hồng Bàng, Kiến An, Lê Chân, huyện An Lão, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.

An Dương được xác định là khu vực đô thị mở rộng phía Tây của khu vực đô thị trung tâm, với tính chất là trung tâm công nghiệp, dịch vụ logistics, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ vùng Duyên hải Bắc bộ theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng đô thị tại An Dương ngày càng hiện đại.

Định hướng quy hoạch, An Dương sẽ bổ sung các chức năng và hạ tầng đô thị nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị lịch sử. Các trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng trên tuyến đường trục chính đô thị, trung tâm dịch vụ logistics, công nghiệp trên Quốc lộ 10 và Quốc lộ 5, các khu chức năng công cộng cấp vùng về y tế, giáo dục và dịch vụ thương mại sẽ được xây dựng.

Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của thành phố; tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Cần 183.856 tỷ đồng xây đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Theo lộ trình đầu tư, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2030 sẽ cơ bản được thi công xong tuyến đường đơn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư